Giám sát xây dựng nông thôn mới

Tuệ Phương (thực hiện) 29/10/2017 06:00

Mặc dù là tỉnh thuần nông, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong quá trình triển khai giám sát xây dựng nông thôn mới, MTTQ tỉnh đã đưa ra nhiều biện pháp tuyên truyền mềm dẻo giúp nhiều địa phương không những giữ được các tiêu chí đã đạt mà còn nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đó là chia sẻ của ông Trịnh Hữu Bàn - phó chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bắc Giang với báo Đại Đoàn Kết.

PV: Được biết thời gian qua MTTQ tỉnh Bắc Giang đã gặt hái không ít thành công trong giám sát xây dựng nông thôn mới, thưa ông?

Ông Trịnh Hữu Bàn: Thực hiện chức năng của MTTQ, trong những năm qua MTTQ tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các tổ chức thành viên, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên triển khai tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân cùng tham gia vào các nội dung trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị, trong giai đoạn 2010 - 2015, MTTQ tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động giám sát về xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn trước, Bắc Giang cũng đã giám sát thành công 40 xã xây dựng nông thôn mới. Qua giám sát, hệ thống Mặt trận các cấp đã phát huy được nhiều ưu điểm, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để làm tiền đề cho giai đoạn sau.


Ông Trịnh Hữu Bàn.

Để giám sát xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt trong quý III/2017, MTTQ tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Văn phòng Điều phối của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã giám sát 33 xã về đích nông thôn mới của 2 năm 2016 và 2017. Qua giám sát ở các huyện, đặc biệt là giám sát trực tiếp ở các xã rồi đến thăm các khu dân cư, các thôn xây dựng nông thôn mới thì thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể chính trị ở đó rất tốt.

Có thể nói Bắc Giang so với các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc cũng là một trong những tỉnh có kết quả tốt. Đến nay, toàn tỉnh đã có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thông qua đợt giám sát vừa rồi chúng tôi thấy rằng bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thì sự tham gia vào cuộc, sự tự nguyện đóng góp bằng tiền, đóng góp bằng ngày công và hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và xây dựng hệ thống mương máng của người dân rất tốt. Điều này là một tín hiệu vui trong quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong xây dựng nông thôn mới, quá trình triển khai thực hiện việc này đã gặp không ít khó khăn?

- Chúng tôi cho rằng, trong giai đoạn 2016 - 2020 việc tuyên truyền, vận động sẽ khó khăn hơn giai đoạn trước trong khi công tác tuyên truyền có lúc, có nơi, có chỗ còn hạn chế. Cá biệt có những nơi còn có sự trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Đối với thực hiện chính sách về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt việc thực hiện cơ chế đặc thù ở một số nơi chưa toàn diện, một số tiêu chí còn khó khăn như tiêu chí về bình đẳng giới. Tiêu chí này yêu cầu cán bộ chủ chốt cấp xã phải có cán bộ nữ. Vì vậy, qua giám sát MTTQ cũng có kiến nghị với cấp ủy, chính quyền, đặc biệt đối với những huyện, xã giám sát trực tiếp. Chúng tôi cũng đang kiến nghị trong thời gian tới với chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động sự tham gia của người dân để làm tốt hơn việc giám sát, để việc xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả tốt hơn trong giai đoạn tới.

Đối với những địa phương đã đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo có cách tuyên truyền như thế nào để họ không những giữ vững mà còn nâng cao chất lượng các tiêu chí đó lên, thưa ông?

-Đúng là trong thực tiễn khi giám sát các xã đã về đích trong 2 năm 2016 và 2017 nhiều tiêu chí mới đạt ở mức sàn, thậm chí có những tiêu chí hơi đuối. Vì vậy, mục tiêu trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền, đặc biệt đối với người dân các khu dân cư không bằng lòng với kết quả thực tế, tiếp tục tuyên truyền để người dân có nhận thức đầy đủ hơn về xây dựng nông thôn mới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất để tạo thành các mô hình, các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh trên thị trường, từ đó làm tiền đề nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Với những tiêu chí động như tiêu chí về an ninh trật tự, tiêu chí về các hoạt động xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, về an toàn giao thông…. rất cần sự vào cuộc của từng gia đình, từng khu dân cư để nâng cao chất lượng các tiêu chí trong thời gian tới.

Nhiều nơi xây dựng nông thôn mới chỉ chú trọng cơ sở hạ tầng mà ít chú trọng đến vấn đề cốt lõi là thay đổi nhận thức của người dân. Câu chuyện này có đang xảy ra tại Bắc Giang không, thưa ông?

-Theo tôi, đây là câu chuyện mang tính vùng miền trên phạm vi cả nước. Đúng là bên cạnh việc tuyên truyền về sự tham gia đóng góp tiền, ngày công và huy động con em địa phương đã trưởng thành ở các lĩnh vực hướng về quê hương chung sức xây dựng nông thôn mới thì chúng tôi thấy rằng cần phải tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân. Đặc biệt, MTTQ đã gắn việc xây dựng nông thôn mới với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư để người dân có điều kiện được tiếp cận tốt hơn, hiểu hơn về vấn đề này.

Đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTQ Việt Nam mới phát động, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, chúng tôi cũng đã tuyên truyền đến từng người dân để mọi người có ý thức hơn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội… để làm sao phát huy được truyền thống văn hóa của quê hương cũng như đẩy lùi các hủ tục, lạc hậu, xây dựng môi trường nông thôn không những phát triển về kinh tế mà còn phát triển cả về văn hóa, môi trường….

Từ nay đến cuối năm, UBMTTQ tỉnh Bắc Giang đưa ra trọng tâm công tác như thế nào để các hoạt động giám sát và phản biện đến được với quần chúng nhân dân, thưa ông?.

-Từ khi có Quyết định 217 của Bộ Chính trị, chúng tôi đã tổ chức đoàn giám sát riêng của Mặt trận với chức năng là Mặt trận chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội và các ngành chức năng. Việc này chúng tôi đang làm rất tốt. Từ nay đến cuối năm, để phát huy hiệu quả kinh tế rừng, Mặt trận sẽ tập trung giám sát các quyết định của pháp luật về bảo vệ rừng làm sao phát huy được ưu điểm của kinh tế rừng, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân, đặc biệt là người dân miền núi, người dân vùng dân tộc.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát xây dựng nông thôn mới