Mục tiêu của Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực của khu vực này. Đây là nhiệm vụ khó khả thi, nếu chúng ta không có những giải pháp đồng bộ, triển khai quyết liệt.
Những con số đáng buồn
Khi mới 15 tuổi, còn đang học lớp 9, cô bé Sùng Thị Tú ở bản Pa Búa, xã Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã bị mẹ ruột ép lấy người cậu họ. Kể về hành trình chạy trốn của mình, Tú cho biết, nhà có 5 chị em, cô là thứ 4. Các chị đều lấy chồng hết. Trong đó, chị thứ 2 lấy chồng năm 19 tuổi, còn 2 chị còn lại đều lấy chồng năm lớp 10 và lớp 9. Nhìn cảnh các chị lấy chồng sớm vất vả, Tú ấp ủ ước mơ đi học Đại học. Nhưng ước mơ của Tú hoàn toàn bị dập tắt khi mẹ ép em bỏ học để đi lấy chồng, lấy chính người cậu của mình.
May mắn Tú được sự hỗ trợ của thầy giáo cũng là trưởng bản đến tận nhà em để vận động và yêu cầu mẹ Tú không ép cô bé lấy chồng sớm, nếu cố tình làm sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Được sự hỗ trợ của họ hàng hiện Tú đang vừa học vừa làm tại T.P Hồ Chí Minh.
Không phải ai cũng có được may mắn như Tú, trao đổi với truyền thông bà Trương Thị Huyên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Lát cho biết, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, những năm qua, huyện Mường Lát đã đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về Luật Hôn nhân và Gia đình.
Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước thôn bản. Đẩy mạnh giáo dục giới tính trong trường học, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên trong tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh. Tuy nhiên, theo thống kê từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 960 cặp kết hôn, trong đó có 151 cặp tảo hôn; 1 cặp kết hôn cận huyết thống. Số vụ xử lý vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn là hơn 90 vụ.
Không riêng Mường Lát, ở nhiều địa phương hiện nay tảo hôn đang là câu chuyện gây bức xúc và để lại nhiều hệ lụy. Mỗi năm Việt Nam có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn đứa trẻ "đưa chân” vào cuộc sống “hôn nhân – vợ chồng”. Và cũng có chừng ấy đứa trẻ được sinh ra không được pháp luật công nhận, kéo theo nhiều hệ luỵ như đói nghèo và thất học, bệnh tật…
Tăng cường truyền thông
Theo số liệu Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số, khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao nhất, là 27,5%; tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc 24,6%; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 22,4%; Đồng bằng sông Hồng, nơi không có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống (3,3%), là vùng có tỷ lệ người dân tộc thiểu số tảo hôn thấp nhất cả nước năm 2018 (7,8%)...
Tảo hôn là hành vi bị cấm theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, những hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn đều bị coi là vi phạm quy định của pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Cùng với đó Bộ Luật Hình sự năm 2015 cũng quy định rõ khung hình phạt đối với tội tổ chức tảo hôn, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa kịp thời, thường xuyên, nhận thức của đồng bào còn hạn chế, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra.
Để những quy định trên triển khai hiệu quả theo các chuyên gia cần phải tác động đối tượng là chủ thể vi phạm, là các em để các em có nhận thức. Sau khi tuyên truyền tại các bản bà con nhất trí đưa vào hương ước, quy ước 100%, để có căn cứ, người dân đã nhất trí nếu vi phạm thì xử lý theo quy định của bản, đồng thời quy định pháp luật vi phạm đến đâu xử lý đến đó.
“Điều 58 Nghị định 82 năm 2020 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với các hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Thế nhưng, thực tế những chế tài này vẫn chưa được thực thi bởi việc xử phạt không dễ nhất là ở vùng sâu, vùng xa khi mà “lệ làng” và hủ tục vẫn phổ biến. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu hệ lụy mà tảo hôn gây ra từ đó đẩy lùi hủ tục này ra khỏi đời sống”, Luật sư Ngô Anh Tuấn, Đoàn Luật sư Hà Nội nhấn mạnh.
Theo phản ánh từ các địa phương để triển khai hiệu quả Đề án cần có những giải pháp đồng bộ, triển khai quyết liệt, chẳng hạn như: ưu tiên thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử nam nữ; cải thiện sự tiếp cận với thông tin, trao cho các em cơ hội để được đi học, được cung cấp kiến thức về kỹ năng sống, sức khỏe tình dục và sinh sản; cho các em có không gian sống an toàn, cải thiện sinh kế và an sinh xã hội; cần bảo đảm các em gái ngay cả khi đã kết hôn vẫn có nhiều lựa chọn và cơ hội tốt cho tương lai…
Và quan trọng hơn cả là ngay từ nhỏ, tạo cho các em môi trường an toàn, nhận thức đầy đủ về quyền của các em.