Tinh hoa Việt

Giàn bầu thương nhớ

ĐĂNG NGỌC 14/07/2024 06:38

Khi giàn bầu vãn quả là lúc dây bầu, lá bầu lặng lẽ quắt đi, khô dần, bố cắt quả bầu già treo vào gác bếp cho khô để dành hạt giống cho mùa sau. Có biết bao giàn bầu đã neo vào những năm tháng tuổi thơ tôi và mỗi khi ăn món gì có bầu lại da diết nhớ góc vườn với giàn bầu lúc lỉu...

img_7962.jpg
Giàn bầu bên sông. Ảnh: Xuân Ngân.

Lần nào về quê, chị dâu tôi (năm nay đã 85 tuổi) cũng gửi cho các cháu chút quà, khi thì chục trứng gà, khi thì cân lạc, cân vừng, hè này là hai quả bầu sao dài như cái chày giã gạo. Bọn trẻ reo lên, “đợt này tha hồ mà chế biến món bầu”.

Chẳng biết chúng sẽ làm những món gì, nhưng trước nhất, nhà có ít tôm khô vừa mua từ vùng biển về, lấy một nhúm, ngâm nước, giã tơi như làm ruốc, rồi ninh nhừ, thả bầu băm vào là đã có nồi canh ngon chẳng kém gì tôm tươi. Nhưng bát canh ấy còn ngon ngọt vì thấm đượm vị quê…

Ở quê, nhà ai cũng có mảnh vườn rộng rãi, đủ các loại cây ăn quả, dây leo. Trong số những loại dây leo giàn có hoa quả ăn được mà lại dễ trồng, nhanh lớn như gấc, thiên lý, mướp… thì bầu thuộc loại “lớn nhanh như thổi”.

Cứ hết rét nàng Bân là bố lấy quả bầu gác bếp bổ ra chọn hạt, ngâm trong nước ấm qua đêm rồi vùi xuống cái hố miệng tròn như sàng, có đất tơi mịn nàng đã chuẩn bị từ trước. Khí xuân còn vương vấn, độ ẩm của đất rất vừa phải, chẳng phải tưới tắm gì nhiều, chỉ hơn nửa tháng sau, kể từ ngày hạt bầu tách hai lá thì ngọn bầu đã lên xanh mơn mởn.

Ánh nắng ngày hè chiếu vào, đứng cách xa dăm bảy bước cũng có thể nhìn rõ những lông tơ trắng muốt của dây bầu, mặt sau của những phiến lá hình trái tim và cả những tua bầu cong cong, có cái đầu cuộn trò như lò so, đung đưa trong gió. Chúng như vẫy gọi và mách bảo, “tôi đang cần cành vịn để leo đây!”.

Chẳng phải bố sai bảo, tôi nhớ bổn phận của mình như những mùa trước là khoanh dây bầu một vòng, rồi chèn đất cho bầu đâm nhiều rễ, tăng diện tích tiếp xúc với đất để bầu hút được nhiều chất mà mau lớn. Rồi chặt những nhánh tre làm sào cho bầu leo.

Còn bố, sửa lại cái giàn, xem chiếc cột tre, thanh khung giàn nào mục ải phải thay mới để giàn đủ sức “treo đàn con”, và chống chọi với những cơn bão, lốc xoáy mùa hạ bất chợt tràn qua.

Giữa hè đã thấy những cánh tay bầu mềm mại mà khỏe khoắn vươn xa, tua bầu cuốn chặt vào những nhánh tre già trải mặt giàn. Rồi những cánh hoa trắng muốt cũng bung nở, bao chú ong vàng, ong đen vo ve, rúc đầu vào mà thỏa thuê hút mật. Một ngày kia đã thấy nhú lên từ đài hoa những quả bầu xanh như trái nhót, những trái bầu cứ thế lớn dần, lớn dần, căng mọng, thuôn dài. Chỉ no đủ mới thế! Chỉ chăm bẵm mới thế!

Suốt những tháng hè, bọn trẻ chúng tôi, con gái đánh truyền, chơi ô ăn quan, con trai chơi bi, chơi đáo dưới bóng giàn râm mát lúc lỉu những quả bầu sao. Gọi là bầu sao, bởi trên cái vỏ xanh màu nõn chuối ấy điểm xuyết những đốm trắng hình ngôi sao và cũng là để phân biệt với loại bầu đất - không cần giàn.

Nỗi sợ những chú ong, nhất là ong đen, châm bầu còn hơn cả sợ ong đốt chính mình. Nốt ong châm làm bầu ứa nhựa màu vàng nâu như những nốt ghẻ ruồi, quả nào nhiều nốt ong châm thì quặt qoẹo như trẻ sài đẹn. Nhìn quả bầu ong châm mất đi sự nuột nà mà thương mà giận bầy ong “ác độc”. Khi gọt bầu thấy những vết ong châm cứng ngắc, phải khoét bỏ mà tiếc công chăm sóc.

Chẳng ai trong bọn trẻ chúng tôi không thuộc những câu ca: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; Ăn tôm bỏ râu, ăn bầu bỏ ruột” vì nó nhắc nhở ta, khi chế biến món ăn phải biết cách xử lý cho phù hợp. Nhưng còn câu, “Râu tôm nấu với ruột bầu/chồng chan vợ hút gật đầu khen ngon” thì tắc tị. Cái thứ phải bỏ đi, sao vợ chồng còn khen ngon? Mãi sau này được thầy Cần dạy văn - sử - địa cấp 2 giảng giải mới hiểu được.

Người đời mượn câu này với hàm ý, “tình yêu đôi lứa sẽ đem lại không khí gia đình hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh. Râu tôm và ruột bầu là hai thứ bỏ đi nhưng cũng sẽ trở thành món canh ngon ngọt nếu vợ chồng hòa thuận”.

Vào bếp ta càng vui hơn mỗi ngày, nếu nấu được món ăn vừa miệng cho cả nhà thì cuộc sống gia đình càng thêm đầm ấm, hạnh phúc. Nếu không từ món ăn cũng có thể gây nên sự bất hòa. Các bạn nữ tỏ vẻ ngậm ngùi khi nghe thầy Cần kể giai thoại “ăn cả râu tôm”.

Có một cô gái mới về làm dâu nhà chồng, vì trẻ người non dạ, chưa có nhiều kinh nghiệm, lại đoảng vị trong việc tề gia nội trợ. Một hôm mua về một mẻ tôm càng mà cô không chịu nhặt râu, bẻ càng, chỉ rửa qua rồi đổ ngay vào nồi “rang chỏng”. Mẹ chồng thấy vậy, mắng cho một trận, rồi hai mẹ con giận nhau cả tháng trời mà vẫn chưa làm lành được…

Có lẽ chẳng có loại quả dây leo nào chế biến được nhiều món như bầu: Lá bầu non có thể ăn như rau bí, quả bầu luộc chấm tương hoặc muối vừng, bầu xào, bầu kho tương, bầu om cá trê. Chỉ riêng món canh, đứng đầu bảng là bầu nấu canh tôm tươi, thứ đến là canh cua bầu, bầu nấu ngao, rồi thịt băm, xương ninh, nhà chùa có canh bầu chay, dậy mùi bởi có nhiều thì là.

Thời nay còn có lẩu cua bầu, bầu salad, bầu chiên, bầu nướng; món gỏi bầu thanh nhẹ ăn kèm cho đỡ ngán trong các bữa tiệc thịnh soạn.

Bên cạnh biểu tượng văn học ví giàn bầu như cha mẹ, những trái bầu là bầy trẻ thơ ngây; dây bầu leo giàn vươn xa, quyện lấy như tình cảm cha mẹ bền chặt, gắn bó keo sơn, thì sự tận hiến của bầu cũng làm nên vẻ đẹp vĩnh cửu. Sự tận hiến ấy không chỉ hiển hiện trong món ăn mà cả cái vỏ của bầu cũng mang tới giá trị nào đó trong đời sống và nghệ thuật dân gian.

Ông Bái xóm tôi, vốn là đội viên đội văn nghệ huyện, chuyên hát dân ca và hay gẩy đàn bầu tự chế - dây là dây phanh xe đạp, bầu đàn làm từ đầu cuống của quả bầu nậm. Ông bảo, người ta gọi đàn bầu là vì từ xa xưa, ông cha ta làm đàn từ quả bầu khô. Cây đàn bầu tuy không có trong dàn nhạc cung đình nhưng trong dân gian, đàn bầu vẫn có sức sống lâu bền, trải qua bao thăng trầm, bao biến đổi của lịch sử, đàn bầu vẫn là một minh chứng của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam. “Thế nhưng, làm thân con gái sao lại chớ nghe đàn bầu, hả ông?”. Ông bảo, “vì sợ tiếng đàn réo rắt, buồn bã dễ vận vào đời người phụ nữ”.

Họ nhà bầu cũng khá đông, người miền xuôi thường trồng bầu sao, bầu đất, người Tây Nguyên thường trồng bầu mậm, giống như cái mậm rượu, hay còn gọi quả hồ lô.

Ngày tôi lên Tây Nguyên, được một già làng thôn Broái kể, nhau thai của những đứa trẻ vừa sinh được đựng trong quả bầu khô, chôn xuống đất để “bầu mẹ” giữ gìn, chở che cho đứa trẻ mau lớn khôn, khỏe mạnh.

Quả bầu với người Tây Nguyên không chỉ là thứ rau quả cho bữa ăn hàng ngày, vỏ bầu khô còn là thứ vật dụng để đựng nước uống, đựng những vật phẩm dành cho việc cúng tế, như rượu, thóc lúa, tiết các con vật… dâng lên thần linh, cầu cho sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...

Quả bầu còn được các nghệ nhân dân gian chạm khắc những họa tiết hoa văn làm thành sản phẩm trưng bày, bán cho khách du lịch làm đồ lưu niệm, hoặc chế tác thành những chiếc chuông, mượn sức gió, tạo ra âm thanh vui tai để trang trí trước cửa nhà. Và cây đàn goong, một nhạc khí của đồng bào Tây Nguyên có 10 hoặc 18 dây, mỗi dây tạo ra âm sắc riêng, không thể thiếu trái bầu khô. Nửa quả bầu khô rỗng ruột gắn phía chân đàn đã làm tăng độ vang của âm thanh lên nhiều lần. Tiếng đàn vang lên cũng là gửi vào đó bao tâm hồn nghệ sĩ.

Nhưng nếu quả bầu không hóa thân thành nhạc cụ, thành vật dụng thì dây bầu tươi cũng ẩn chứa một tâm hồn, nói như người xưa là “vạn vật hữu linh”. Dây bầu có khả năng cảm nhận và phản ứng với môi trường xung quanh. Nắng gắt bao nhiêu vẫn xanh tốt, trời mưa dầm lại héo đi, ủ rũ nằm rạp xuống như là sợ hãi.

Bầu dù ở vùng miền nào cũng gắn bó sâu nặng với con người. Người ân tình với bầu, bầu trả nghĩa cho người. Một bữa cơm đạm bạc khi cha mẹ đi làm đồng về mệt nỏi, chỉ cần xì xụp một bát cơm chan canh bầu cùng mấy quả cà muối là tỉnh táo và khỏe người. Chẳng phải cao lương mỹ vị gì, quả bầu đã tận hiến cho bữa cơm quê chẳng kén người ăn, chẳng chọn người nấu.

Đời bầu ngắn ngủi tựa như khoảnh khắc xuân sang, hạ tới, mọi niềm vui chưa trọn vẹn thì thu tới, đông sang, bầu bắt đầu tàn lụi dần vì đã dồn hết sức lực nuôi “đàn con”. Khi giàn bầu vãn quả cũng là lúc dây bầu, lá bầu lặng lẽ quắt đi và khô dần.

Bố để dành quả bầu già treo vào bếp cho khô để dành hạt giống cho vụ mới. Những hạt giống ấy lại mãi xanh mầm, xanh dây, đơm hoa kết trái khép một vòng tuần hoàn tử - sinh như tổ tiên của bầu đã nghìn mùa hiến trọn. Có bao giàn bầu đã neo đậu mải miết vào những năm tháng tuổi thơ của tôi.

Nhớ thương mãi những giàn bầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giàn bầu thương nhớ