Gian nan con chữ

Điền Bắc 07/09/2019 09:00

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp về Na Kho – một bản làng nằm giữa thung lũng được bao bọc bởi núi rừng của xã biên giới Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Na Kho cách TP Vinh 260km, cái đói, nghèo gần như bậc nhất của xã biên giới Bắc Lý.

Đây cũng là một trong những bản nghèo nhất của tỉnh Nghệ An. Người dân Na Kho chủ yếu là đồng bào người Khơ Mú, Thái, Mông… Cuộc sống vô vàn khó khăn nên những bước chân tới trường của con trẻ cũng gian nan không kém.

Gian nan con chữ

Giáo viên phải di chuyển bằng thuyền hơn 2h để vào xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương công tác.

Ngay giữa bản Na Kho có một chiếc cầu tạm được làm bằng những cây gỗ cũ để đi lại. Đó cũng là con đường duy nhất để người dân qua lại, các em học sinh mỗi ngày cất bước đến trường. Bao nhiêu lần con đường đến lớp của học sinh nơi đây đã bị cắt đứt bởi dòng nước lũ hung dữ. Hôm chúng tôi có mặt tại đây, là những ngày mưa lớn, cầu bị cuốn trôi, học sinh không thể đến lớp. Người dân Na Kho và đặc biệt là các em nhỏ vẫn mong ngóng có một chiếc cầu đúng nghĩa để mỗi lần tới lớp không phải “vắt” quần lội suối mỗi khi mưa lũ đổ về.

Tại xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương - nơi bị chia cắt bởi đập Bản Vẽ mênh mông, các thầy cô nơi đây bao năm tháng qua phải vật lộn với khó khăn để tìm và gieo con chữ. Thầy Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Hữu Khuông cho biết: Xã có một điểm trường chính THCS nên học sinh ở các bản đi học rất xa, đường núi rừng chênh vênh.... Trong đó có 3 bản Huồi Cọ, Sàn và Huồi Pục, học sinh tới trường bằng xuồng rồi đi đường bộ hàng giờ đồng hồ. Hiện toàn trường có 170 em, trong đó có 150 em (90%) ở bán trú.

Tại địa bàn xã Mường Ải và Mường Típ, đường giao thông từ trung tâm huyện vào vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn, nay lại chịu thêm thiệt hại mới khiến các điểm sạt lở càng nguy hiểm hơn. Cô giáo Quang Thị Vân - Phó hiệu trưởng trường Mầm non Mường Ải cho biết: Quãng đường từ Mường Xén vào trường chỉ 38 km nhưng phải mất gần 5 giờ đồng hồ các thầy, cô mới tới nơi. Mong sao cảnh lội suối nguy hiểm này vơi bớt dần đối với cư dân địa phương và giáo viên cắm bản.

Những trận mưa liên tục trút xuống miền Trung vừa qua đã làm cho ngày tựu trường bị chậm lại. Tuy nhiên, không vì thế mà hi vọng của năm học mới chậm theo. Tính đến sáng ngày 6/9, hơn 180 trường còn lại của tỉnh Nghệ An đã khai giảng. Dù khai giảng muộn hơn 1 ngày nhưng tại 4 điểm trường của xã Bắc Lý, học sinh vẫn vui vẻ.

Thầy Doãn Chí Trung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lý cho biết: Sáng ngày 6/9, trường còn có 4 điểm lẻ đồng loạt khai giảng. Có những điểm trường cách trung tâm xã hàng chục km, đi xe máy mất gần nửa ngày. Dù khai giảng muộn hơn một ngày nhưng các thầy cô, các em vẫn rất phấn khởi.

Để giúp đỡ phần nào khó khăn, cũng trong dịp bước vào năm học mới, nhiều tổ chức thiện nguyện đã trao tặng nhiều món quà ý nghĩa cho các trường vùng cao. Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An cho biết: Từ năm học 2019-2020, mô hình “Trường học hạnh phúc” sẽ được triển khai thí điểm, trong đó lấy tiêu chí trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường làm chính. Bên cạnh đó, toàn ngành cũng triển khai kế hoạch “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” và ban hành quy tắc ứng xử trong các nhà trường. Đây là một quyết tâm lớn của ngành giáo dục tỉnh Nghệ An.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan con chữ