Sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) dù đã đạt các chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm, nhưng vẫn chưa trở thành quen thuộc với người tiêu dùng.
Mặc dù có chất lượng tốt, đạt yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng sản phẩm OCOP vẫn không dễ dàng vào các siêu thị. Đây cũng là những phản ảnh của các nông hộ, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, rất hiếm thấy hàng OCOP bày bán trong siêu thị. Đơn cử như tại Top Market, một trong những kênh phân phối lớn tại thị trường Viêt Nam, các sản phẩm OCOP xuất hiện tương đối thưa thớt trên các kệ hàng, ngay cả tại các kệ hàng nông sản đặc sản đã qua chế biến như mứt quả, hải sản ăn liền,…
Theo đại điện một số hệ thống siêu thị lớn, sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên để vào được các siêu thị tổ hợp tác phải có hợp đồng giao dịch, hóa đơn, chứng từ, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm…Đặc biệt là phải đáp ứng đủ số lượng - đây là yêu cầu khó khăn đối với sản xuất quy mô nhỏ ở các nông hộ, hợp tác xã. Vào được siêu thị là một chuyện, nhưng để hàng hóa tiêu thụ nhanh chóng, tiếp cận được khách hàng buộc các sản phẩm phải đồng hành với các chương trình khuyến mãi, kích cầu... cùng với các hệ thống siêu thị.
Bên cạnh đó, ngoài chất lượng, sản lượng, giá thành phải ổn định, một số mặt hàng OCOP khó vận chuyển xa phải tính toán đến phương án giao nhận hàng phù hợp. Tuy nhiên với phương thức làm ăn nhỏ, manh mún thiếu tính chuyên nghiệp nên sau vài tháng, nhiều sản phẩm khó có thể cầm cự lâu dài.
Thực tế hiện nay, những doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là những cơ sở có quy mô nhỏ lẻ còn gặp những khó khăn trong tiếp cận, thâm nhập vào các kênh phân phối, khiến sức cạnh tranh giảm sút, khó tiếp cận được với người mua hàng.
Mở rộng hơn thị phần tại kênh phân phối bán lẻ vẫn là thách thức lớn với sản phẩm OCOP, thậm chí nhiều sản phẩm xuất khẩu nhưng vẫn khó vào siêu thị.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho biết, chương trình mỗi xã, mỗi làng một sản phẩm OCOP được phát động trong 4 năm qua, bắt đầu từ năm 2018.
Theo ông Vũ Vinh Phú, đa phần các đơn vị sản xuất và chế biến các sản phẩm đều là các hộ, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, họ không có đủ tiềm lực để phát triển và nâng hạng các sản phẩm OCOP. Bởi vậy, muốn thực hiện được các chỉ tiêu cả về số lượng và chất lượng của các sản phẩm OCOP trong các năm tới, cần phải đặc biệt quan tâm đến các giải pháp cơ bản sau đây:
Cần có sự hỗ trợ về chính sách, vốn sản xuất kinh doanh, đầu tư khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Giảm bớt các chi phí trong hoạt động bao gồm chi phí sản xuất và gia nhập thị trường, vận chuyển dự trữ…
Công tác liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương phải ngày càng chặt chẽ hơn để phong trào ngày càng có chất lượng, luôn luôn đổi mới cả về tổ chức sản xuất và tiêu thụ hàng hoá trên các thị trường trong và ngoài nước.
Thống kê cho thấy, đến nay cả nước đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, gần 74% đạt 3 sao, gần 25% đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao.
Chương trình OCOP đã thu hút hơn 7.400 chủ thể tham gia, bao gồm hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và tổ hợp tác.
Riêng tại Hà Nội, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến tháng 8/2024, 29/30 quận, huyện, thị xã đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao.
Để thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình OCOP là vô cùngquan trọng. Người tiêu dùng cần hiểu rõ hơn về giá trị của các sản phẩm này cũng như những nỗ lực của người nông dân, doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Hà Tiến Nghi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, cho hay cần thực hiện tốt các giải pháp kết nối, phát triển mở rộng thị trường. Cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cải tiến quy trình sản xuất, thiết kế bao bì sản phẩm theo hướng hiện đại, bắt mắt để thu hút người tiêu dùng.
Đặc biệt cần tăng cường đối thoại giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các chủ thể OCOP để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ về thủ tục hành chính và điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị. Chỉ khi có sự hợp tác chặt chẽ và đồng lòng giữa các bên liên quan, sản phẩm OCOP mới thực sự chinh phục được lòng tin của người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông, để sản phẩm OCOP vào được kênh bán hàng này, buộc phải đáp ứng những yêu cầu về quy trình vào hàng, chất lượng và cả khâu thanh toán. Ngoài ra, để sản phẩm OCOP được khách hàng biết tới nhiều hơn, các chủ thể OCOP bên cạnh tập trung vào đảm bảo chất lượng, sản lượng sản phẩm cũng cần chú trọng vào thiết kế bao bì theo hướng bắt mắt, thu hút khách hàng, qua đó, người tiêu dùng có thể hiểu hơn về sản phẩm, tạo sự khác biệt với sản phẩm OCOP của vùng miền khác.