Việc xe cơ giới tăng đột biến, cộng với hạ tầng lạc hậu và ý thức một bộ phận người tham gia giao thông kém đã khiến tình trạng kẹt xe ở TP HCM ngày càng thêm nghiêm trọng. Bên cạnh đó. Người dân muốn tìm một bãi đậu xe cũng khó khăn.
Ô tô chen chúc ở các tuyến phố ở quận 3- TP Hồ Chí Minh.
Tại TP HCM, từ hàng chục năm qua, người tham gia giao thông bình thản đón nhận chuyện tắc đường như chuyện cơm ăn, nước uống.
Lái xe trong nội thành đã khổ, vậy nhưng kiếm được chỗ đậu xe thì còn khó gấp bội. Những người có nhà trong hẻm hoặc đường nhỏ, muốn sở hữu ô tô thì trước hết phải tìm được bãi đậu xe gần nhà, và chấp nhận ngày ngày đi bộ từ nhà ra bãi và ngược lại. Đó là chưa kể gia chủ phải tốn từ 1 đến 2 triệu đồng cho một chỗ đậu xe.
Chị Nguyễn Thị Thu Hạnh, giảng viên một trường đại học ở quận 12, TP HCM kể: “Hai vợ chồng thu xếp mãi cũng mua được chiếc Kia Morning để đi lại hàng ngày. Thế nhưng nhiều lúc chẳng dám lái ô tô đi ăn bên ngoài hay tụ tập với bạn bè ở khu trung tâm thành phố, vì chật vật tìm chỗ đậu xe, hoặc nếu gửi xe phải đi bộ một đoạn rất dài khi ra về để nhận xe”.
Anh Trần Thanh Bình, nhân viên văn phòng, hiện đang sinh sống tại quận Bình Tân chia sẻ: “Giờ làm việc của tôi là 8h sáng, nhưng đều phải có mặt từ 7 giờ 30 phút để tìm chỗ đậu xe. Công ty tôi nằm trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, đôi lúc tôi phải đậu xe ở đường Hàm Nghi hay gửi một chỗ thuận tiện, rồi đi bộ cả cây số để tới chỗ làm việc. Rồi khi đã tìm được chỗ đậu xe hơi, thì để im ở đó cả ngày, có công việc gì cần di chuyển thì mình đi xe ôm, taxi, chứ lái xe đi thì chỉ có nước lái thẳng về nhà luôn, vì người khác chiếm chỗ ngay”. Một nỗi lo nữa khi lái xe ra phố, lớ ngớ là bị xử phạt ngay tức khắc.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay làm cho chuyện kẹt xe tại TP HCM ngày thêm trầm trọng, đó là tình trạng cao ốc, dự án bất động sản “tấn công” các tuyến đường trung tâm thành phố và ngày càng lan rộng.
Phía Đông TP HCM, tình hình cũng phức tạp không kém. Vài năm trước, kết nối trung tâm TP với hướng này là xa lộ Hà Nội và đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2), đường sá rộng rãi với gần 10 làn xe. Nay thì hai bên các tuyến đường quan trọng này san sát các dự án chung cư cao cấp, vào giờ đi làm hay tan tầm, đường sá kẹt cứng, người và xe nhích từng chút một.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết: “Hiện nay việc cấp phép xây dựng của TP HCM đang được thực hiện tràn lan, không khoa học, nguyên nhân chính là do các cơ quan: Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc chưa có sự phối hợp tốt. Cách làm hiện nay là cấp phép theo quy hoạch hạ tầng tương lai chứ không phải theo hạ tầng hiện hữu, nên hạ tầng không theo nổi. Khi kẹt xe, ách tắc, ngành Giao thông Vận tải lại vào cuộc xử lý kiểu theo đuôi, tắc đâu chữa đấy, tạo nên một bức tranh giao thông đô thị nhếch nhác, lộn xộn”.
Thống kê của Ban An toàn giao thông TP HCM, hiện có khoảng 60 điểm ùn tắc giao thông thường xuyên trên địa bàn, gây thiệt hại khoảng 8.450 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, gia tăng phương tiện cá nhân dẫn đến tắc đường và ô nhiễm môi trường là một xu thế tất yếu của nhiều nước trong quá trình hội nhập. Hiện nay, Việt Nam có số người sở hữu xe hơi là rất thấp, so với các nước láng giềng. Vì vậy, nếu giảm ách tắc giao thông chỉ bằng việc hạn chế người dân mua, sử dụng ô tô cá nhân rõ ràng không phải là phương án tối ưu, mà phải kết hợp với nhiều biện pháp khoa học khác.