Những ngày này, trong khi hàng ngàn người dân vùng châu thổ Cửu Long Giang đang quay quắt vì nước mặn xâm nhập thì cũng có một số người ở phía hạ lưu cửa sông lại cảm thấy may mắn. Họ là những người làm nghề giăng câu, một trong những nghề phổ biến và cổ xưa nhất của cư dân xứ hạ lưu nước lợ.
Ghe câu nơi hạ nguồn.
Ở đó, nơi dòng sông đổ ra biển với nguồn lợi thủy sản dồi dào vẫn mang đến cho những người giăng câu nguồn lợi nhất định. Đặc biệt, tại các cửa sông này đều có đặc điểm là rộng lớn, sóng gió mạnh, mực nước sâu khiến cho ngoài việc giăng câu, những nghề khác đều rất khó khăn.
Sống khoẻ nơi hạ lưu
Ở thời điểm những tháng mùa khô, gió từ biển thổi vào kèm theo nhiều loại thủy sản có giá trị từ ngoài biển vào cũng là lúc nghề giăng cầu nơi hạ nguồn nhộn nhịp nhất. Điển hình nhất trong số đó là cá bông lau (còn gọi là cá dứa), loài cá có giá trị kinh tế cao, được ưa chuộng. Người ta có thể dễ dàng bắt gặp trên một đoạn sông nho nhỏ có hàng chục chiếc ghe câu đang thả mồi. Rồi những cồn, cù lao, doi đất nhô ra phía cuối dòng sông cũng là thế giới ưa thích của những người thả câu. Mà thực tế, vùng châu thổ rộng lớn không chỉ có 9 cửa sông đổ ra biển như nhiều người thường nghĩ.
Ngồi cùng chúng tôi trong một buổi trưa nắng nóng ở bến phà An Đức-Mỹ An (huyện Ba Tri, Bến Tre), ông Nguyễn Văn Cảnh, một thợ câu lâu năm người địa phương kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở phía cù lao Thạnh Phú (nay là huyện Thạnh Phú, Bến Tre) nhưng từ hồi bé đã theo cha đến sinh sống tại cù lao Đất nằm giữa lòng sông Hàm Luông. Rồi đó đến nay, gần nửa thế kỷ đời người, ngày nào cũng như ngày nào, mình giong ghe từ cù lao Đất qua bên An Hiệp, An Đức, Vĩnh Phú rồi lại vòng qua phía Mỹ An, An Điền… giăng câu, bán cá. Thường thì buổi trưa sẽ ghé lại bến phà này để đợi mấy bạn hàng là thương lái trên thị trấn Mỏ Cày Nam xuống lấy hàng. Nhiều thì dăm con bông lau, vài con trê, con mè vinh nhưng có khi ít thì chỉ có mớ bống dừa, mấy con bống tượng mà thôi. Cũng có hôm muộn đò, đợi tới chiều mà bạn hàng không ghé thì mình đem về. Cá nhỏ thì để bà xã nấu ăn, cá lớn đem giộng phía bờ sông, dành cho ngày hôm sau. Cuộc sống cứ thế trôi đi, mê mải như mùa nước lớn, ròng. Giờ đầu đã hai thứ tóc rồi mà mọi thứ dường như vẫn vậy”.
Vừa nghe người đàn ông chừng lục tuần có nước da đen nhánh kể chuyện, tôi vừa nghe ầm ì có tiếng phà từ phía bờ bên Mỏ Cày chạy tới nên chào từ biệt để chuẩn bị lên phà. Ông Cảnh nhìn tôi, đoán có lẽ lần đầu tới vùng đất hạ lưu cuối dòng Hàm Luông này bảo thêm: “Cậu cứ ngồi xuống đi. Phà ở đây cách một giờ họ mới chạy một lần. Bây giờ phà cập bến, phải một tiếng nữa thì họ mới chạy lại phía bên chứ lèo tèo vài người khách thế này, nhà phà làm sao đủ tiền dầu mà chạy. Từ đây qua phía bên Mỏ Cày cắt ngang đường sông cũng bốn năm cây số”.
Quả thật, sau khi cập bến, khách lên bờ toả đi hết, bến phà lại trở lại khung cảnh im ắng dù cũng có dăm ba người khách chạy xe máy lên phà xí chỗ trước. Ngồi thêm một chút nữa thì bạn hàng của ông Cảnh tới. Ông bảo, hôm nay ông bán của mình và bán giùm cho ghe câu người bạn bận về sớm đưa mẹ đi bệnh viện nữa. Nhìn mấy bóng người lui cui chụm vào nhau, trên hai chiếc ghe vỏ lãi mảnh khảnh giữa mênh mang sóng vỗ dập dồn mà lòng tôi dậy lên bao cảm giác. Nó vừa êm đềm, giản dị vừa nhỏ bé, khó khăn giữa rộng rinh sông nước. Sau khi cầm những đồng tiền sau một ngày giăng câu, ông Cảnh nhìn tôi cười rồi nổ máy, cho ghe quay đầu hướng về phía cù lao Đất giữa lòng sông thẳng tiến.
Mưu sinh.
Nhưng không chỉ có ông Cảnh, trong những ngày rong ruổi qua 9 cửa sông huyền thoại của vùng châu thổ Cửu Long Giang ở phía hạ nguồn này, tôi đã gặp vô số những con người sống gắn bó với nghề sông nước suốt cả cuộc đời. Thật lạ, họ đều là những người làm nghề câu. Trước đây, tôi cứ nghĩ rằng, những tấm lưới khổng lồ dài hàng trăm mét, rộng cả chục mét sẽ có hiệu quả hơn so với những dây câu mỏng manh, đầy sự may rủi nhưng thực ra không hẳn như vậy. Tuỳ từng vùng nước, chế độ thuỷ văn, đặc điểm loài thuỷ sản mà ngư dân am hiểu nghề có phương thức đánh bắt phù hợp, hiệu quả nhất. Đó là lý do, những tấm lưới rộng rinh đôi khi không mang lại hiệu quả bằng những dây câu mỏng manh. Hoặc, với những ngư dân nơi hạ nguồn này, chiếc dây câu là đủ để sống, và gắn bó với sông nước rồi. Họ không có nhiều nhu cầu về vật chất để đánh bắt nhiều hơn!
Đặc sản vùng nước lợ
Nếu ai từng gắn bó với vùng sông nước châu thổ miền Tây vùng nước lợ cửa sông có thế thấy rằng, ở cùng một dòng sông nhưng có sự khác nhau rất lớn giữa thượng nguồn với phía hạ lưu. Nơi này, khi dòng sông đổ ra biển nên chế độ thuỷ văn rất khác biệt. Mùa gió thì sóng rất lớn, ghe thuyền khó khai thác thuỷ sản. Hơn nữa, mặt sông rộng, mực nước sâu cũng là trở ngại đối với không ít nghề khai thác…
Đó là lý do, người ta vẫn gọi phía hạ lưu là hạ bạc bởi sự khó khăn, bạc bẽo của thiên nhiên. Thậm chí xưa kia người ta còn quan niệm, đó là nghề lựa chọn cuối cùng của sinh kế. Nghĩa là, chỉ đến khi hết đường mưu sinh, người ta mới gắn bó với nghề này. Thế nhưng hiện nay điều này có vẻ không còn đúng nữa khi hầu hết các sản phẩm của người câu phía hạ lưu này lại là đặc sản. Trong đó, nhiều loại được coi là đặc sản bởi ngoài vùng nước lợ cửa sông, không nơi nào khác có thể có. Có lẽ, đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho những cư dân nghèo khó nơi xa xôi này có thể duy trì cuộc sống gắn bó với sông nước, khi mà sự thay đổi xung quanh đang diễn ra từng ngày.
Thủy sản nhiều nhất phía hạ nguồn là các loại cá da trơn.
Anh Nguyễn Ngọc Vinh, 44 tuổi, một ngư dân nhiều năm giăng câu khu vực sông Cồn Cộc- một nhánh của sông Cổ Chiên chảy qua cù lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) rộng lớn- kể với tôi rằng: “Tùy từng khúc sông, mùa nước mà có thể thả câu những loại cá khác nhau. Tuy nhiên, thủy sản nhiều nhất phía hạ nguồn là các loại cá da trơn”. Theo người đàn ông này, đi giăng câu quan trọng nhất là tính kiên nhẫn, bền bỉ và am hiểu. Có đôi lúc ngồi cả đêm cũng không câu được con cá nào nhưng cũng có lúc, một đêm câu được cả chục con. Vì vậy, điều quan trọng nhất là sự kiễn nhẫn. Hơn nữa, những người làm nghề câu không chỉ kiên nhẫn một đêm mà họ còn có thể kiên nhẫn cả cuộc đời mình, với sông nước hạ nguồn.
Theo anh Vinh, do hầu hết các sản phẩm câu hiện nay đều có giá rất cao so với các nghề đánh bắt khác vì chất lượng tốt hơn. Như cá bông lau, mỗi ký lô hiện bán tại bến khoảng 280 đến 300 ngàn đồng/kg. Nếu như mùa này, người dân câu được vài con bông lau, mỗi con chừng 3-4kg thì họ cũng có thu nhập cả triệu đồng rồi. Ngoài bông lau, thứ xuất hiện gần như quanh năm nơi cửa sông thì nhiều loại cá khác cũng là đặc sản, mang đến thu nhập lớn cho người dân.