Hàng hóa Việt Nam ngày càng chất lượng, tính cạnh tranh cao. Nhưng cũng từ đó lại xuất hiện mối lo về việc hàng xuất xứ không rõ ràng, kém chất lượng “đội lốt” hàng Việt. Điều này không chỉ xảy ra với hàng hóa tiêu thụ trong nước mà còn cả với hàng xuất khẩu, cần phải được ngăn chặn kịp thời, bởi xây dựng được thương hiệu hàng Việt như hôm nay là rất khó khăn.
Trái cây Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại các nước Âu-Mỹ.
Hiện tượng hàng Việt bị hàng hóa nước ngoài chất lượng kém trà trộn “đội lốt” để thâm nhập vào thị trường trong nước đã không còn là hiện tượng lạ. Thời gian qua, dư luận rất bức xúc khi phát hiện trên thị trường có tình trạng hàng nông sản Trung Quốc “đội lốt” nông sản Việt Nam đánh lừa người tiêu dùng. Không chỉ hàng nông sản, các sản phẩm đồ gia dụng như quần áo thời trang, da giày, sắt thép… cũng đang phải đối mặt với thực trạng đáng quan ngại này. Điều đáng nói, không chỉ xuất hiện ở thị trường trong nước, hàng hóa ngoại nhập còn giả mạo xuất xứ, nhãn mác “made in Vietnam” để tìm cách xuất khẩu sang nước thứ ba, với mục đích hưởng chênh lệch về ưu đãi thuế.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết ngành Tài chính diễn ra mới đây, lãnh đạo Tổng cục Hải quan nêu lên một vấn đề nhức nhối, đó là việc gần đây phát hiện nhiều giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm giả mạo trên các hàng nông nghiệp, dệt may, sắt, nhôm.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cơ quan này đã thực hiện điều tra và chuẩn bị có báo cáo chi tiết các vụ gian lận về xuất xứ hàng hóa Việt Nam, kể cả các loại hàng nhập khẩu giả mạo hàng Việt Nam để lừa dối người tiêu dùng cũng như các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác vào Việt Nam, sau đó giả mạo, trà trộn vào hàng xuất khẩu của Việt Nam, lấy danh nghĩa là hàng Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài.
Ông Cẩn cho hay, đối với các mặt hàng gỗ, sắt thép, hải quan đã phát hiện một số doanh nghiệp gỗ trong nước khai thu mua nguyên liệu gỗ từ các hộ nông dân, các địa phương để chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ ra nước ngoài. Song khi trực tiếp điều tra, cơ quan hải quan lại phát hiện sự thật không đúng như vậy.
Căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc đã dẫn đến việc Mỹ áp mức thuế “khủng” đối với hàng hóa Trung Quốc khi xuất khẩu sang thị trường này. Điều này khiến các nhà quản lý, giới chuyên gia lo ngại, Trung Quốc sẽ tìm cách xuất khẩu hàng hóa sang nước khác. Sự việc liên quan đến ngành xe đạp điện là một ví dụ điển hình về thực trạng này.
Theo đó, Bộ Công thương đã từng cảnh báo hiện tượng xe đạp điện từ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu bất ngờ tăng mạnh. “Việc lượng xuất khẩu xe đạp điện từ Việt Nam sang EU tăng nhanh, trùng với thời điểm EC điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính”- Bộ Công thương nêu rõ.
Không chỉ mặt hàng xe đạp điện, nhiều ngành khác như nông sản, da giày, thép… đã và đang đối diện với nguy cơ này. Cách đây không lâu, ngành thép cũng đã từng lên tiếng sau khi đối mặt với nhiều vụ kiện vì bị nghi có nguồn gốc xuất xứ từ nưowớc khác. Chính lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) đã phải kiến nghị lên Chính phủ về việc cần có giải pháp để kiểm soát và ngăn chặn việc nhập khẩu tràn lan các mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được, nhằm ngăn chặn nguy cơ này. Trong khi đó, Hiệp hội Da giầy Túi xách Việt Nam cũng đã từng phát đi cảnh báo về việc không loại trừ khả năng hàng “lạ” sẽ đội lốt hàng “Made in Vietnam” để xuất khẩu.
Mặc dù theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho đến thời điểm này chưa ghi nhận trực tiếp vụ việc liên quan đến hàng hóa nước ngoài giả mạo xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế, song cảnh báo là không thừa. Tại cuộc họp liên quan đến vấn đề này diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận. Cũng theo ông Hải, giải pháp Bộ này đưa ra để ngăn chặn thực trạng này đó là sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ cả hai chiều xuất và nhập khẩu hàng hóa để hạn chế thấp nhất hành vi trà trộn, giả mạo xuất xứ.
Giữ gìn thương hiệu Việt, câu chuyện tưởng như “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng lại rất cần trong tình hình hiện nay, khi mà thị trường toàn cầu có nhiều biến động khó lường. Những năm qua, bằng rất nhiều cố gắng, nỗ lực, chúng ta đã xây dựng được thương hiệu cho nhiều loại sản phẩm hàng hóa.
Điều đó là một thực tế khi mà hàng hóa của Việt Nam thâm nhập ngày càng sâu rộng và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới, kể cả những thị trường khó tính bậc nhất. Việt Nam cũng đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó cực quan trọng là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại Việt Nam-EU.
“Biển lớn thì sóng càng to”, vì thế để phát huy thương hiệu hàng hóa Việt Nam khi ra nước ngoài, thì việc ngăn chặn hữu hiệu hàng kém chất lượng trà trộn, “đột lốt” hàng Việt là rất cần thiết, nhất là khi với rất nhiều thời gian, nhiều nỗ lực mới xây dựng được.