Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Mỹ Hằng 06/07/2016 09:05

Ủy ban Dân tộc vừa tổ chức Hội nghị sơ kết đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”. Sau 3 năm triển khai thực hiện, chính sách này đã mang lại những thành tựu quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt đời sống đồng bào các dân tộc.

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Người Mảng làm nương rẫy.

Quyết định 1672/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao phát triển sản xuất, giảm nghèo, thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, rừng đầu nguồn và chủ quyền biên giới quốc gia. Đề án được thực hiện tại 88 thôn, bản trên 27 xã thuộc 9 huyện của các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang.

Theo báo cáo, từ năm 2013, UBDT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn để thực hiện chính sách. Việc thực hiện đề án đã tạo điều kiện cho các địa phương vận dụng cơ chế linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân. Sau 3 năm thực hiện Đề án 1672, đến nay huyện Mường Tè đã xóa được 520 ngôi nhà tranh tre, nứa lá cho các hộ dân là đồng bào dân tộc Cống, La Hủ, Mảng ở 9 xã của huyện.

Đề án cùng với các chương trình, dự án khác của Chính phủ đầu tư trên địa bàn còn giúp cho đồng bào dân tộc Mảng, Cống, La Hủ tiếp cận với khoa học kỹ thuật, đưa các cây, con giống mới vào sản xuất, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đó cũng là giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người, đồng thời giữ vững an ninh chính trị và chủ quyền biên giới quốc gia.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2012, Ban Chỉ đạo đề án các cấp đã ban hành 47 văn bản về chỉ đạo điều hành. Kết quả thực hiện bước đầu đã đạt được một số mục tiêu chung của đề án, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu tiếp tục được đầu tư, các loại giống mới, năng suất cao được đưa vào sản xuất. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tăng cường. Học sinh được hỗ trợ chi phí ăn, học, văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách vẫn còn những hạn chế và bất cập, việc lồng ghép giữa các chính sách chưa tốt, vốn hạn hẹp, đầu tư còn dàn trải, còn thiếu tập trung và hiệu quả sử dụng vốn chưa cao.

Hiện tại đời sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn, sản xuất chậm phát triển, giảm nghèo chưa bền vững, cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Việc quản lý chính sách còn mang nhiều tính hình thức, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương còn hạn chế, một số hạng mục đầu tư thiếu quy hoạch, chưa đánh giá và phân tích hiệu quả trước khi bố trí vốn đầu tư.

Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang tham gia thực hiện đề án đã trao đổi về các kết quả thực hiện chính sách trên địa bàn cũng như những khó khăn, vướng mắc về nguồn lực, cơ chế chính sách, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, việc xây dựng đề án thành phần… trong quá trình thực hiện.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng khẳng định đây là một chính sách rất quan trọng của Đảng và Chính phủ dành riêng cho 4 dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao. Sau 3 năm triển khai thực hiện chính sách, cùng với các chương trình, chính sách khác đã mang lại những thành tựu quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt đời sống đồng bào các dân tộc.

Tuy nhiên, cần chú trọng trong việc quy hoạch, sắp xếp dân cư theo hướng hiện đại hóa, tránh tình trạng đầu tư lãng phí; nên tổ chức cuộc sống, tổ chức sản xuất cho đồng bào phù hợp, văn minh, hiện đại hơn nhưng vẫn đảm bảo việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; chú trọng hơn nữa việc đào tạo nâng cao năng lực cho đồng bào…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo