Giáo dục

Gỡ khó đào tạo tiến sĩ

Dung Hòa 16/04/2024 09:48

Tại cuộc họp mới đây bàn về việc đào tạo trình độ tiến sĩ (TS) hiện nay, những bất cập đã được chỉ ra.

Theo ông Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, sau 1 năm tiến hành khảo sát, giám sát, Ủy ban nhận thấy, hạn chế nguồn lực đầu tư là nguyên nhân đầu tiên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo TS.

anhbaitren(3).jpg
Lễ khai giảng bậc đào tạo tiến sĩ tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Hạn chế trong đầu tư

Ông Nghĩa cũng chỉ ra, hiện cơ chế, chính sách học bổng và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho nghiên cứu sinh của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, nghiên cứu sinh không những không phải đóng học phí mà còn được cấp học bổng; thậm chí còn được nhận lương khi tham gia trợ giảng hoặc nghiên cứu cùng người hướng dẫn. Trong khi đó, nghiên cứu sinh ở Việt Nam vừa phải đóng học phí, vừa bị hạn chế tiếp cận các nguồn tài trợ nghiên cứu từ cơ sở đào tạo. Ngoài ra, vẫn có người học TS theo xu hướng “chạy theo bằng cấp” để được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm chức vụ.

Trước đó trong năm 2023, nhiều bất cập trong đào tạo TS cũng đã được chỉ ra. Theo Báo cáo của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, về đội ngũ, số lượng giảng viên đại học (ĐH) có trình độ TS trở lên tăng đáng kể. Tuy nhiên, chi phí đào tạo 1 TS ở Việt Nam tại các trường ĐH công lập hiện nay trung bình khoảng 16 triệu đồng/năm (trừ lĩnh vực khoa học sức khỏe, khoảng gần 32 triệu đồng/năm), thấp hơn rất nhiều so với chi phí đào tạo TS ở một số nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, các cơ sở đào tạo TS trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong bảo đảm điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu, tiếp cận với tài liệu, công bố khoa học mới nhất để tham khảo và nâng cao chất lượng luận án. Cơ chế, chính sách học bổng và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho nghiên cứu sinh của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức.

Hiện Nhà nước chỉ có cơ chế hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu sinh được lựa chọn theo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2019 - 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 89/QĐ-TTg), bao gồm: Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài luận án (từ 13 - 20 triệu đồng/người học/năm và không quá 4 năm), hỗ trợ đăng bài báo khoa học quốc tế; hỗ trợ tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc thực tập ngắn hạn ở nước ngoài (1 lần trong cả quá trình đào tạo). Đồng thời, chưa có các chính sách hỗ trợ, thu hút người học TS ở các ngành, lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên và công nghệ rất cần thiết nhưng kén chọn người học, không hấp dẫn nghiên cứu sinh (như các ngành vật lý địa cầu, vật lý hạt nhân, các ngành nông nghiệp, chăn nuôi…)

Tăng cường đảm bảo chất lượng

Việc thiếu nguồn Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) bổ sung có thể khiến nhiều trường ĐH phải dừng đào tạo TS đã được các chuyên gia đề cập từ lâu. Theo chia sẻ của GS Mai Ngọc Chừ - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, ở rất nhiều trường ĐH hiện nay có tình trạng các ngành đào tạo TS có nguy cơ phải dừng vì không đủ lực lượng GS và PGS giảng dạy. Thực tế này khiến các nhà giáo dục và xã hội lo lắng.

Ngoài ra còn những bất cập trong thu hút TS cũng đã được chỉ ra. Với ĐH Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Lê Quân cho hay, ĐH Quốc gia Hà Nội được giao nhiệm vụ đào tạo những ngành mà xã hội có nhu cầu cao, đặc biệt là kỹ thuật công nghệ. Cơ sở đào tạo tuyển được một TS học nước ngoài về ngành khoa học cơ bản mà có thể chi lương 15 - 20 triệu đồng là phấn khởi. Nhưng cũng là TS ngành khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo, fintech khi vào doanh nghiệp, họ đòi hỏi thu nhập không dưới 40 - 50 triệu. Đây là sự cạnh tranh rất lớn.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, làm sao để có cơ chế chính sách thu hút học bổng dành cho đào tạo TS; đồng thời muốn có chất lượng, trước hết cần nhận thức đầy đủ về việc đào tạo TS là đào tạo bậc cao, với sự tham gia của nhiều bên. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cần kiểm soát đầu vào, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng đầu ra. Có cơ chế, chính sách ưu tiên đào tạo trình độ TS ở các ngành, lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng. Thực hiện tốt các chính sách thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên có năng lực.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, đào tạo trình độ TS cần có chuẩn, với những tiêu chí rõ ràng để có thể so sánh với các nước trong khu vực và thế giới. Từ những cái khó đang tồn tại, Phó Thủ tướng cho rằng, cần nghiên cứu cơ chế chính sách “đặt hàng” đào tạo TS ở một số lĩnh vực, trong đó có những ngành khoa học cơ bản. Có giải pháp khuyến khích người giỏi, tài năng tham gia làm nghiên cứu sinh và làm giảng viên. Muốn vậy phải có chiến lược rõ ràng và đầu tư từ sớm, từ xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó đào tạo tiến sĩ