Sáng 8/1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với ngành Hải quan, năm 2018.
Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, ngành Hải quan vẫn cần tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường quan hệ đối tác giữa hải quan và doanh nghiệp.
Quang cảnh Hội nghị.
56% doanh nghiệp (DN) cho rằng không còn phải chi trả chi phí không chính thức trong năm 2018, con số này thay đổi rất lớn so với mức 37% năm 2015 - kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của cộng đồng DN đối với ngành Hải quan được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 8/1.
Nhiều cải thiện, DN thuận lợi hơn
Kết quả khảo sát cho thấy năm 2018 mức độ hài lòng của cộng đồng DN đối với ngành Hải quan được cải thiện ở hầu hết các nội dung khảo sát so với năm 2015. Cụ thể, đánh giá về chất lượng thông tin khi DN tiếp cận thông tin thủ tục hành chính hải quan, 91% DN tham gia trả lời đánh giá thông tin cơ quan hải quan cung cấp là thống nhất, 90% DN đánh giá thông tin thủ tục hành chính (TTHC) sẵn có, dễ tìm. So với số liệu năm 2015, tỷ lệ này lần lượt là 77% và 81%.
Theo đánh giá của VCCI, Tổng cục Hải quan với vai trò là cơ quan chủ trì triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đã tạo ra những bước tiến lớn trong thủ tục xuất nhập khẩu. Tính đến ngày 31/12/2018 đã có 148 TTHC của 12 bộ, ngành đã được kết nối vào Cổng thông tin một cửa quốc gia, đã có tổng số hơn 1,8 triệu bộ hồ sơ của gần 26.000 DN được tiếp nhận, xử lý.
“Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã tạo phương thức mới, hiệu quả cho các DN trong việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu. Thông qua điều tra của VCCI, có thể nhận thấy việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đang được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao” – TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định.
Đánh giá về việc thực hiện thủ tục hải quan đối với các DN xuất nhập khẩu trong năm 2018, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, đã có sự thay đổi tích cực trong cảm nhận của DN về mức độ thuận lợi khi thực hiện các TTHC hải quan so với năm 2015. Cụ thể, tỷ lệ DN đánh giá mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục nộp thuế trong thông quan cao hơn rất nhiều so với năm 2015. Nếu như năm 2015 chỉ 10% DN cho là thực hiện thủ tục nộp thuế trong thông quan dễ dàng thì năm 2018, con số này là 25%.
Đáng chú ý, nếu như chi phí không chính thức là một gánh nặng với các DN khi phải tiếp xúc với cán bộ hành chính, thì con số khảo sát của VCCI năm 2018 cho biết, có tới 56% DN cho rằng họ đã không còn phải chi trả không chính thức, so với mức 37% của năm 2015, con số này đã có sự thay đổi rất lớn. Tuy nhiên theo ông Tuấn, vẫn còn một số lĩnh vực mà cơ quan hải quan cần phải nỗ lực cải cách như hoàn thuế và không thu thuế, kiểm tra sau thông quan vì khi đánh giá việc thực hiện các thủ tục này, có một tỷ lệ không nhỏ DN khẳng định, đây là khâu vẫn còn nhiều rào cản.
Nhiều rào cản cần tháo gỡ
Tại Hội nghị, đại diện các DN, hiệp hội cũng cho rằng, nhiều rào cản trong các thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành đã được gỡ bỏ, giúp cho các DN tiết kiệm được thời gian, giảm nhiều chi phí không chính thức. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn cần được giải tỏa. Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc tính thuế đối với các DN nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may vẫn bộc lộ sự thiếu công bằng.
Cụ thể, theo ông Cẩm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã gửi văn bản lên Tổng cục Hải quan kiến nghị về việc, DN nhập nguyên phụ liệu về để sản xuất kinh doanh, nhưng khi không đủ năng lực chuyển nguyên phụ liệu sang gia công lại ở DN khác thì không được miễn thuế. Trong khi đó, với những đơn hàng gia công lại được miễn thuế.
Một vấn đề khác mà các DN ngành dệt may vẫn đang băn khoăn đó là tình trạng “cộng các loại phí vận tải biển (phí CIC/EIS), rồi phí vệ sinh container vào giá trị nhập khẩu để tính thuế, rồi khi kiểm tra, thanh tra cơ quan hải quan còn truy thu, phạt DN khi họ chưa thực hiện nộp các loại phí này khiến DN rất bất an, khó yên tâm sản xuất kinh doanh, từ đó làm giảm năng lực cạnh tranh của DN.
Mặc dù đánh giá cao về những cải thiện của ngành hải quan trong thời gian qua, song hầu hết ý kiến của các DN tại hội nghị cho rằng, còn rất nhiều việc ngành hải quan cần tích cực triển khai trong thời gian tới. Theo VCCI, cần phải tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC và tăng cường quan hệ đối tác giữa hải quan và DN.
Bên cạnh đó, theo ông Đậu Anh Tuấn, hiện nay, dù hầu hết các bộ quản lý chuyên ngành đều đã áp dụng thủ tục điện tử qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, nhưng phần lớn còn ở mức bán thủ công, số lượng thủ tục thực hiện qua đây mới chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số các thủ tục mà DN phải làm. Điều này dẫn đến tình trạng dù đã thực hiện khai báo điện tử nhưng DN vẫn phải nộp hồ sơ giấy. Vô hình chung, các DN lại mất thêm thời gian hơn vì vừa phải khai báo điện tử vừa phải khai báo hồ sơ giấy.