Trong thời đại “fast-food”, mấy ai biết miếng bánh dẻo, bánh nướng đạt chuẩn phải chuẩn bị đến nửa năm trời.
Nguyên liệu không cao sang, đắt đỏ, nhưng cần phải bỏ tấm lòng vào đó. Thấu hiểu triết lý không những dụng công mà còn phải dụng tâm, nghệ nhân Ánh Tuyết vẫn giữ cách làm bánh trung thu theo các cụ, dẫu rằng cái cách ấy khiến sự cầu kỳ bỏ ra cho mỗi chiếc bánh tăng lên gấp bội.
Về cách làm nhân bánh, nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ, mỡ muối phải là mỡ gáy – phần mỡ giòn và không ngậy quá như mỡ thăn. Khi muối ít nhất bốn tháng, miếng mỡ trở nên trong veo, giòn ngậy mà không ngấy. Với nước đường, thứ quyết định độ mềm mượt, màu sắc và thời gian bảo quản của vỏ bánh cũng vậy.
Ủ cũng cần phải khéo, phải kiên trì để hũ nước đường ngả sắc vàng nâu sánh mịn, dậy một mùi hương ngọt ngào thanh tao của mật ong già hạn chứ chẳng phải thứ hương ngọt sắc của mật mía. Nếu không sành ăn, thực khách sẽ chẳng phân biệt được miếng bánh trung thu ngào nước đường ủ vài ngày hay nửa năm trời.
Thứ nhân thập cẩm hài hòa đầy mê hoặc với đủ vị, đủ hương hấp dẫn một mùi quyến rũ khó tả: vừa ngậy béo của mỡ phần, vừa thơm bùi của hạt dưa và vừng trắng, vừa ngọt sắc của mứt bí, vừa mằn mặn của lạp xưởng, vừa thanh tao của hạt sen… Khi cắn mỗi một miếng bánh thôi cũng đủ khiến cho mâm cỗ trông trăng trở nên tròn vị, người yêu hương vị truyền thống lưu luyến.