GS Trần Văn Nhung: Truyền lửa cho học trò bằng phẩm cách và tình yêu khoa học

Nhật Nam (thực hiện) 17/11/2016 08:06

GS. TSKH Trần Văn Nhung- Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước chia sẻ về vai trò người thầy nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

GS. TSKH Trần Văn Nhung.

PV: Thưa GS, trong chất lượng giáo dục và đào tạo, ông đề cao vai trò của người thầy?

GS. TSKH Trần Văn Nhung: Vai trò của người thầy vô cùng quan trọng, không phải vấn đề dạy A cộng B bằng C mà qua bài giảng của thầy, qua phẩm cách, phong cách và tình yêu khoa học của thầy như một chất men theo học trò trong suốt cuộc đời.

Ngày xưa tôi vào học lớp chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam, lớp A0 năm 1965, nghe những thầy giáo như thầy Tạ Quang Bửu, thầy Lê Văn Thiêm, thầy Hoàng Tụy giảng. 50 năm tôi quên đi nhiều nhưng mà niềm say mê mà người thầy truyền cho học trò rất quan trọng.

Người thầy ngoài việc dạy kiến thức thì truyền ngọn lửa yêu khoa học cho học trò, để ngọn lửa ấy theo suốt cuộc đời học trò không bao giờ vấp ngã và luôn luôn vươn lên phấn đấu, cái đó mới quan trọng.

Trong những năm gần đây, nhiều trường ĐH, CĐ có những ngành nghề đào tạo đứng trước nguy cơ tạm dừng tuyển sinh vì không có đủ giảng viên cơ hữu đạt trình độ cao. Theo GS, làm thế nào để có thể thu hút được những người có tri thức cao tham gia vào công tác giảng dạy?

- Bây giờ lương giáo viên của mình thấp quá, vì vậy nhà trường chúng ta không hút được những con người tinh hoa như ngày xưa. Hiện nay rất khó trong việc giữ người giỏi nhất là những người giỏi gửi ra nước ngoài đào tạo ít khi được quay trở về giảng dạy trong nước mà dạy ở các trường nước ngoài, đấy là điều rất khó khăn.

Nhưng cũng mừng, ví dụ vừa rồi chương trình phát triển Toán học Việt Nam 10 năm, Viện của GS Ngô Bảo Châu là một ví dụ tạo ra một cơ chế để thu hút những trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Năm 2007, tôi được giao trưởng ban tổ chức thi Toán quốc tế Việt Nam lần đầu tiên. Năm đó mình đứng thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Nga.

Buổi lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam ở TP HCM. Ảnh: Đoàn Xá.

GS Nguyễn Thiện Nhân (lúc đó là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) mới hỏi Toán sơ cấp ta đứng thứ 3 còn Toán cao cấp mình đứng thứ mấy? thì tôi nói khoảng thứ 60-70. Ông mới đề nghị trong 10 năm làm sao phát triển, Chính phủ duyệt cho chương trình đặc thù về Toán học 10 năm với số tiền 651 tỷ, cho 1 cơ chế đặc biệt thì 5 năm qua Toán học phát triển khác hẳn. Số bài công bố quốc tế gấp đôi so bình thường.Thứ 2 là có học bổng cho những học sinh từ Cà Mau đến Sơn La, nhà nghèo học giỏi Toán thì cấp cho học bổng.

Cho thầy cô giáo thưởng cho những công trình xuất sắc và mời người Việt Nam ở nước ngoài đến. Đấy là một cách làm. Giờ mà cào bằng, không có thí điểm, không có cơ chế đặc thù thì rất khó để lôi kéo được người tài về.

Như vậy thưa ông, vấn đề là ở cách làm, chất lượng đào tạo chưa cao có khi không phải do kinh phí thấp?

- Một trong những khó khăn là tiền nhưng chưa phải tất cả. Tôi nói ví dụ đào tạo tiến sĩ, đầu tiên phải quan niệm rất rõ tiến sĩ là gì sau đó mới đào tạo cho tốt rồi mới chi tiền. Về nguyên tắc khoa học, tiến sĩ là người phải có khả năng phát minh.

Phát minh là phải có bài đăng trên các tạp chí phát minh vì có cơ chế phản biện. Như vậy muốn làm tiến sĩ phải có khả năng phát minh mà cái đó không phải ai cũng làm được, có người chỉ tập hợp để viết lại thành bài mà không có cái gì mới, cái đó không thể bảo vệ tiến sĩ.

Trân trọng cảm ơn GS!

Tri ân thầy cô giáo

Ngày 16/11, tại TP HCM, lễ tri ân các thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 đã diễn ra long trọng với hơn 300 cán bộ giáo viên đại diện cho khoảng 80.000 cán bộ giáo viên toàn thành phố.
Dịp này, ông Nguyễn Thành Phong cũng đại diện trao tặng 8 đơn vị vinh dự được nhận cờ thi đua của Bộ GD&ĐT cùng 151 đơn vị nhận được bằng khen của thành phố kèm theo số tiền khoảng 10 tỷ đồng dành cho ngành giáo dục.

Chí Đại

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    GS Trần Văn Nhung: Truyền lửa cho học trò bằng phẩm cách và tình yêu khoa học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO