Mặc dù đến thời điểm này Bệnh viện Nhi Trung ương chưa ghi nhận ca biến chứng nặng bệnh tay chân miệng (TCM), thế nhưng số ca mắc tăng nhanh, gấp 6 lần mùa dịch 2020, nên các bậc phụ huynh cũng phải hết sức cảnh giác.
Hàng năm các ca mắc TCM gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 4-5 và tháng 9-10. Tính từ đầu năm tới nay, BV Nhi Trung ương đã ghi nhận khoảng 125 trường hợp mắc bệnh. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 5-6 bệnh nhi nhập viện.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), hiện Trung tâm không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh nặng. Bệnh nhi chủ yếu mắc bệnh ở mức độ 1 như sốt nhẹ, kèm theo ban ở lòng bàn tay, bàn chân có thể cho về điều trị, chăm sóc tại nhà. Những bệnh nhi có biểu hiện bệnh sốt cao, mạch nhanh được các bác sĩ chỉ định nhập viện theo dõi chăm sóc.
Theo BS Lâm, hầu hết trẻ mắc bệnh tay chân miệng đều dưới 5 tuổi. Thông thường diễn biến bệnh tay chân miệng trong 5-7 ngày, nhưng nếu trẻ có biểu hiện nặng sớm thì ngay ngày đầu tiên hoặc ngày thứ 2, trẻ đã có biểu hiện của nặng. “Khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo phát ban lòng bàn tay, chân, mông, ngực, miệng, cần cho trẻ đi khám để phân loại. Nếu trẻ có biểu hiện run tay, giật mình, rối loạn ý thức thì diễn biến bệnh có xu hướng nặng lên” – BS Lâm cho biết.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, dịch TCM lưu hành thường xuyên trên địa bàn thành phố, mỗi năm ghi nhận khoảng 3.000 trường hợp mắc. Năm nay, các ca mắc ghi nhận ở 28 quận, huyện, thị xã và đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Vì vậy, ngoài việc phòng chống Covid-19, các đơn vị phải chú trọng phòng chống không chỉ dịch bệnh TCM mà cả các dịch bệnh khác trong lúc giao mùa, trong đó có sốt xuất huyết.
Sở Y tế cũng đề nghị các quận huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng Trung tâm y tế tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch cho giáo viên, học sinh; khuyến cáo phụ huynh; hướng dẫn nhà trường vệ sinh môi trường lớp học bằng xà phòng hoặc cloramin B; thông tin kịp thời các trường hợp mắc cho cơ sở y tế để điều tra dịch tễ, xử lý dịch.
Bệnh TCM lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố. Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2021 đến đầu tháng 4, cả nước ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có bốn trường hợp tử vong tại Kiên Giang (2), An Giang (1) và Long An (1). So với cùng kỳ năm 2020, số mắc tăng bốn lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP HCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.