Mới đây, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm một bệnh nhân mắc uốn ván, nâng số mắc từ đầu năm 2023 đến nay là 25 trường hợp (tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó 3 trường hợp đã tử vong.
Biến chứng nguy hiểm
Cụ thể, bệnh nhân nam, 66 tuổi, huyện Ba Vì. Trước đó, từ ngày 12/11, bệnh nhân bị vết thương ở ngón cái của chân phải và không tiêm phòng uốn ván.
Đến ngày 14/11, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và được chẩn đoán mắc uốn ván. Hiện tại bệnh nhân đang được các bác sĩ của bệnh viện điều trị tích cực.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván ( Clostridium tetani ) gây ra. Khi mắc bệnh uốn ván tỷ lệ tử vong rất cao 25 - 90% .
Đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tử vong trên 95%. Trực khuẩn này phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh - cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật. Thời kỳ ủ bệnh khoảng 4 – 21 ngày. Tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim.
Biểu hiện của bệnh uốn ván
Theo BS Lê Văn Thiệu, bệnh uốn ván khởi phát sau chấn thương, trung bình là 7 ngày; 15% số trường hợp khởi phát bệnh trong vòng 3 ngày và 10% khởi phát bệnh sau 14 ngày.
Uốn ván toàn thân là thể bệnh hay gặp nhất. Dấu hiệu điển hình là tăng trương lực cơ và co cứng toàn thân. Lúc đầu tăng trương lực cơ ở các cơ nhai, nuốt khó và cứng hay đau các cơ cổ, vai, lưng.
Kế tiếp các cơ khác cũng bị tăng trương lực gây ra cứng bụng và cứng các cơ ở gốc chi; do co cứng liên tục các cơ mặt, tạo ra một vẻ mặt nhăn nhó hay kiểu cười khẩy, cười nhăn, co cứng cơ lưng tạo ra một tư thế lưng cong ưỡn lưng. Ở một số bệnh nhân xuất hiện các cơn co cứng toàn thân kịch phát, với cường độ mạnh, những cơn đau làm cho bệnh nhân xanh tím và đe dọa ngừng thở. Các cơn này có thể lặp đi lặp lại, có thể là tự phát hoặc do kích thích dù là rất nhẹ.
Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân chỉ bị tình trạng cứng cơ và có một vài cơn co cứng hoặc không có cơn co cứng nào. Thể vừa có dấu hiệu cứng hàm, khó nuốt, cứng cơ và các cơn co cứng. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị nhiều cơn kịch phát, có thể bị sốt (phần lớn không sốt). Các phản xạ gân sâu tăng. Nuốt khó hoặc chướng bụng làm cho bệnh nhân ăn uống khó khăn.
Rối loạn hệ thần kinh thực vật như huyết áp tăng thất thường, hay thường xuyên; nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim; sốt cao, vã mồ hôi. Một số biến chứng về tim mạch có thể gặp là hạ huyết áp và chậm nhịp tim, đôi khi xuất hiện ngừng tim đột ngột. Những biến chứng khác là viêm phổi, gãy xương, vỡ cơ, loét do nằm và ly giải cơ vân.
Uốn ván ở trẻ sơ sinh, thường khởi phát trong 2 tuần đầu sau khi sinh với các dấu hiệu: trẻ bỏ bú, cứng cơ và các cơn co cứng; thường là uốn ván toàn thân và dễ dẫn đến tử vong nếu không điều trị.
Những trường hợp cần đi tiêm phòng uốn ván
BS Thiệu cũng khuyến cáo các trường hợp cần đi tiêm phòng bệnh uốn ván bao gồm:
Phụ nữ có thai: Tiêm phòng uốn ván cho những phụ nữ có thai để bảo vệ đứa trẻ sau khi sinh ra không bị uốn ván sơ sinh. Chỉ cần 2 mũi tiêm sẽ giúp cả mẹ và bé cùng an toàn.
Nông dân, người làm việc trong các trang trại: Đây là những đối tượng dễ bị uốn ván do phải tiếp xúc thường xuyên với môi trường đồng ruộng, bùn đất, phân gia súc, gia cầm, dị vật... có nhiều vi khuẩn trú ngụ. Do đó, khi gặp phải các vết thương nhỏ như xước da, chảy máu trong quá trình lao động, việc nhiễm khuẩn uốn ván rất
có thể sẽ xảy ra. Tiêm phòng là cần thiết để phòng bệnh.
Công nhân xây dựng các công trình: Những người thường xuyên phải tiếp xúc với kim loại, bê tông, sắt thép. Nguy cơ bị thương do các vật nhọn đâm là khó tránh khỏi. Vì vậy, nên đi tiêm phòng uốn ván để bảo vệ bản thân khỏi các sự cố đáng tiếc.