Có thể nói, các cơ quan nhà nước của TP Đà Nẵng là những địa chỉ tiên phong ngăn chặn rác thải nhựa. Từ cuối tháng 4/2019, chai nhựa đựng nước chính thức không được sử dụng tại tòa nhà Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng ở số 24 đường Trần Phú. Cán bộ quản lý tòa nhà cho biết, việc không sử dụng chai nhựa ở Trung tâm Hành chính TP, đã hạn chế thải ra môi trường hàng chục m3 rác thải nhựa/ngày.
Rác thải nhựa ngập tràn bờ biển Đà Nẵng sau trận bão tháng 11/2018.
Giảm 5.000 vỏ chai nhựa/ngày từ trụ sở UBND thành phố
Cuối tháng 4 vừa qua, đại diện của hơn 100 cơ quan báo chí trên địa bàn Đà Nẵng dự buổi họp báo thường kỳ quý 1/2019 do UBND TP tổ chức, khá bất ngờ khi không thấy chai nhựa tại cuộc họp mà thay vào đó là hàng trăm chai thủy tinh đựng nước kiểu dáng bắt mắt. Báo chí đăng tải thông tin này như một tín hiệu vui, khởi đầu cho công cuộc xóa sổ chai nhựa, rác thải nhựa ở TP được coi là thủ phủ, cửa ngõ khu vưc miền Trung – Tây Nguyên
Tòa nhà Trung tâm Hành chính Đà Nẵng là nơi tập trung tất cả cơ quan, công sở của TP với hơn 2.000 công chức, viên chức làm việc hàng ngày. Sử dụng thường xuyên chai thủy tinh đựng nước ở tòa nhà cũng đồng nghĩa với việc giảm thải ra môi trường khoảng 2.000 chai nhựa. Theo một cán bộ quản lý tòa nhà, từ khi sử dụng chai thủy tinh, mỗi ngày, Trung tâm Hành chính TP giảm được khoảng 3.000 chai nhựa từ hàng trăm cuộc họp của UBND TP và của trên 30 cơ quan, công sở đóng tại đây. Ngay thời điểm chính quyền TP Đà Nẵng loại bỏ chai đựng nước bằng nhựa ra khỏi các cuộc họp hành, hội thảo; chúng tôi đã gặp gỡ công nhân của doanh nghiệp môi trường quận Hải Châu làm nhiệm vụ thu gom rác ở các tuyến đường Trần Phú, Lý Tự Trọng, Quang Trung, quanh khu vực tòa nhà Trung tâm Hành chính và được họ chia sẻ khá chân tình: Rác thải nhựa (chai nhựa), là cơm áo gạo tiền. Khi chưa thay thế chai nhựa bằng chai thủy tinh, mỗi ca làm việc, công nhân có thu nhập đáng kể từ việc thu gom, bán vỏ chai nhựa cho vựa phế liệu với giá dao động từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg. Từ tháng 4 đến nay, thu nhập thêm từ rác thải nhựa quanh tòa Trung tâm Hành chính TP không còn nữa nhưng công nhân thu gom rác cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải vật lộn với thứ rác thải cồng kềnh, khó phân hủy này
Loại trừ chai nhựa ra khỏi môi trường làm việc hàng ngày của cơ quan nhà nước, được ghi nhận rất rõ ràng qua đợt tập huấn do Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức từ ngày 16 đến ngày 31/7/2019 cho 1.500 người làm công tác Mặt trận và 1.229 Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư trên địa bàn TP. Gần 3.000 người tham dự tập huấn về công tác Mặt trận cảm thấy thoải mái, yên tâm sử dụng nước đựng trong chai thủy tinh được súc rửa sạch sẽ. Việc nói không với chai nhựa của 3.000 người dự khóa tập huấn công tác Mặt trận trong thời gian 5 ngày, đã giúp giảm thải ra môi trường vài chục ngàn vỏ chai nhựa. Sau UBND TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng là địa chỉ đi tiên phong trong loại bỏ chai đựng nước bằng nhựa ra khỏi môi trường làm việc và các cuộc họp hành, hội thảo.
Thách thức từ thói quen
Ngăn chặn rác thải nhựa đang đặt ra nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất đến từ thói quen sử dụng vật dụng bằng nhựa (túi ni lông, chai đựng nước, ly nhựa, ống hút) trong sinh hoạt và trong kinh doanh buôn bán hàng ngày của đại bộ phận người dân. Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng cuối năm 2018, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng Tô Văn Hùng, đưa ra con số 20 quán trà sữa trên địa bàn quận Hải Châu, bình quân hàng tháng thải ra môi trường 100 m3 rác thải nhựa (chủ yếu là ly nhựa và ống hút). Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thể hiện trên sổ sách, hợp đồng giữa 20 quán trà sữa nói trên với doanh nghiệp thu gom rác. Rác thải nhựa thực tế thải ra môi trường còn lớn hơn rất nhiều từ các vật dụng đựng thức ăn nhanh đơn cử như túi ni lông hộp xốp. Đà Nẵng có nhiều địa chỉ lưu động cung cấp túi ni lông, hộp xốp cho các cửa hàng buôn bán. Có địa chỉ mỗi ngày tiêu thụ từ 2.000 đến 3.000 hộp xốp túi ni lông, chai nhựa. Tất cả hộp xốp, túi ni lông, chai nhựa sẽ được thải trực tiếp ra môi trường ngay khi sử dụng xong.
Nhiều năm nay, Đà Nẵng phải chịu áp lực rất lớn về rác thải nhựa từ khách du lịch. Rác thải nhựa từng ngập ngụa các tuyến đường trung tâm, khu vui chơi giải trí vào các dịp lễ, tết hay vào thời điểm TP diễn ra hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí sôi động. Những ngày tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, có những thời điểm Đà Nẵng đón trên dưới 20.000 lượt khách đến từ các địa phương trong nước. Hàng chục ngàn khách cùng với hàng chục ngàn vật dụng bằng nhựa sử dụng một lần, đã tạo thành những bãi rác, núi rác ở Đà Nẵng. Năm 2019, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu đón 8,1 triệu khách du lịch. Nếu con số này là khả thi thì đi cùng nó, sẽ là những núi chất thải nhựa – khi thói quen sử dụng túi ni lông, chai đựng nước, vật dụng đựng thức ăn nhanh của đại bộ phận du khách chưa thay đổi.
Tháng 11/2018, trận bão lớn đã tấp vào bờ biển Đà Nẵng vô số vỏ chai nhựa, khiến hàng trăm công nhân vệ sinh, hàng ngàn nam nữ thanh niên phải mất vài ngày để thu dọn. Rác thải nhựa lềnh bềnh trên biển và mặt nước của âu thuyền Thọ Quang, là do nhiều du khách thiếu ý thức và do thói quen không dễ gì thay đổi trong một sớm một chiều của những ngư dân chài lưới. Tháng 5/2019, thông qua sự vận động của chính quyền và các tổ chức môi trường, 77 tàu cá neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang đã ký cam kết không vứt rác thải nhựa xuống biển nhưng âu thuyền vẫn ngập rác thải nhựa bởi ở đây luôn có hàng ngàn tàu thuyền neo đậu.
Cần có sự chung tay, thay đổi thói quen mỗi người dân để các mục tiêu quan trọng trong chiến lược quản lý rác thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn 2050; vì một đại dương không rác thải nhựa của Đà Nẵng thành hiện thực.
Đưa phong trào chống rác thải nhựa vào trường học Mới đây, tại Trường THPT Phụ Dực (huyện Quỳnh Phụ), Tỉnh đoàn- Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Thái Bình phát động phong trào “Học đường không rác thải nhựa” và “Hành trình thứ hai của lốp xe”. Tại chương trình, các học sinh được truyền thông về tác hại của rác thải nhựa; hướng dẫn, thực hành phân loại rác thải; tham gia hoạt động trồng cây xanh trong chai nhựa tái chế; vệ sinh môi trường; xây dựng đường hoa; thực hành biến những chiếc lốp xe cũ thành đồ chơi cho trẻ em, đồ dùng hữu ích, thiết thực bảo vệ môi trường... Nam Dương |
Phân loại, xử lý tốt để biến rác thải nhựa thành tài nguyên Tại Thanh Hóa, một cơ hội đang mở ra để giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải, đặc biệt là vấn đề rác thải nhựa trên sông, trên biển với sự hợp tác, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Phần Lan và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường tại quốc gia Bắc Âu này. Liên quan đến vấn đề này, ông Osko Ojaniemi - Chuyên gia năng lượng từ rác thải, Bộ Ngoại giao Phần Lan cho biết: Tất cả rác thải trên sông cũng như trên biển có tác động rất tiêu cực đến môi trường. Ngoài việc làm ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến tất cả các hệ sinh thái trong biển và ảnh hưởng đến chất lượng của các sinh vật sống trên biển. Ông Osko Ojaniemi nói: “Nếu được phân loại và xử lý tốt, không chỉ làm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, mà còn biến rác thải nhựa thành một loại tài nguyên đem lại giá trị kinh tế cao”. Thanh Hóa đặt kỳ vọng sẽ hợp tác chặt chẽ với đối tác Phần Lan trong thời gian tới để xử lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường sông, biển do rác thải nhựa gây ra. Anh Tuấn |