Mặc dù hơn 800 ha lúa vụ Xuân 2020 ở Hà Tĩnh bị đạo ôn lá tấn công đã được xử lý nhưng đạo ôn cổ bông đã xuất hiện trên các trà lúa. Nguy cơ mất mùa đang hiển hiện. Nguyên nhân được xác định, ngoài yếu tố bất lợi của thời tiết còn do nông dân không chấp hành lịch thời vụ.
Theo lịch, lúa vụ Xuân 2020 của Hà Tĩnh phải trổ trong khoảng từ 15/4 – 5/5. Thế nhưng hiện nay nhiều diện tích đã trổ rộ, nhiều vết đạo ôn cổ bông xuất hiện trên các cánh đồng.
Tại huyện Nghi Xuân, tuy vết bệnh xuất hiện chưa nhiều song diện tích phun phòng đạo ôn cổ bông mới chỉ đạt 600 – 700 ha trên tổng diện tích cần phun là hơn 1.400 ha. Trong khi đó, thời tiết những ngày này thường xuyên mưa phùn, trời âm u, là cơ hội cho đạo ôn cổ bông phát sinh, gây hại mạnh. Còn ở huyện Đức Thọ, nhiều diện tích ở địa phương này bắt đầu cúi bông, ngậm sữa, diện tích trổ đúng lịch thời vụ (sau 20/4) chỉ còn khoảng 20%.
Địa phương có nhiều diện tích nhiễm đạo ôn lá nhất là huyện Cẩm Xuyên (600 ha) cũng đang rất sốt ruột vì nhiều diện tích đến thời điểm phun phòng đạo ôn cổ bông cũng chưa thể triển khai được. Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên lo ngại, hơn 9.000 ha lúa Xuân của bà con nông dân không được phun thuốc phòng trừ kịp thời sẽ bị đạo ôn cổ bông tấn công. “Bây giờ mọi sự chỉ biết trông vào trời, chứ mưa liên tục như thế này nông dân cũng không thể làm gì được”, ông Hà lo lắng nói.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, hơn 800 ha bị nhiễm đạo ôn lá, trong đó huyện Cẩm Xuyên hơn 600 ha, còn lại tập trung ở các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Thạch Hà…đã được phun thuốc diệt trừ. Song, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là nhiều vết đạo ôn cổ bông đã xuất hiện trên các trào lúa ở các huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, Đức Thọ... “Hiện toàn tỉnh đã có khoảng 3.000 ha trổ vè, cần phun phòng đạo ôn cổ bông nhưng hầu hết chưa phun được do trời mưa” - ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho hay.
Theo ông Hà, đây là những diện tích trổ sớm so với lịch thời vụ của tỉnh. Từ nay đến ngày 15/4 (đầu lịch trổ theo đề án của tỉnh) còn có khoảng 10.000/59.500 ha trổ đúng thời điểm “nhạy cảm” phát sinh đạo ôn cổ bông nhưng lo ngại phun phòng gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết.
Rủi ro trong sản xuất nông nghiệp có cả yếu tố thiên tai và nhân tai, nhưng với thực trạng đang diễn ra trong vụ Xuân 2020 ở Hà Tĩnh thì yếu tố nhân tai cần phải bàn đến nhiều hơn. Ngoài yếu tố thời tiết bất thuận hiện nay, nguyên nhân sâu xa đẩy công tác phòng bệnh đạo ôn lúa vụ Xuân 2020 rơi vào thế bị động phần lớn là do việc sản xuất không tuân thủ lịch thời vụ của nông dân.