Có thể thấy phân phối đa kênh là yếu tố sống còn với ngành thực phẩm Việt trong lúc này.
Thực phẩm là một trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Thế nhưng thực tế đã có không ít doanh nghiệp (DN) lại có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục nhờ chủ động đưa sản phẩm phân phối đa kênh từ rất sớm, nhất là ở các kênh phân phối mới và bám trụ ở kênh siêu thị.
Ông Trần Đức Thường, Giám đốc một công ty thực phẩm nổi tiếng tại TP HCM cho biết, sức tăng trưởng của công ty từ đầu năm đến nay được giữ ở mức 16 - 18%, trong đó tăng trưởng lợi nhuận đạt khoảng 38%. Sự tăng trưởng ngoạn mục này được ông Thường lý giải là vì sản lượng thực phẩm mà công ty bán ra trong mùa dịch Covid-19 ở kênh siêu thị có mức tăng trưởng đột biến.
Trao đổi với PV bên lề buổi trao chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao 2020 vừa diễn ra tại TP HCM, ông Thường nhấn mạnh thêm là kênh siêu thị luôn tạo cho lợi nhuận tốt với các DN ngành thực phẩm và có độ bền vững hơn nhiều so với kênh truyền thống.
Ngoài việc tập trung vào kênh siêu thị hay kênh Horeca, nhiều DN thực phẩm nội địa cho biết họ đang tận dụng xu hướng mua sắm đa kênh để đưa thực phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và tăng sức cạnh tranh với thực phẩm ngoại.
Ông Đào Văn Hải, Phó giám đốc một DN chuyên cung ứng thực phẩm sạch khu vực Đông Nam bộ cho rằng, dịch Covid-19 vừa qua đã có nhiều tác động tiêu cực đến các DN nhưng xu hướng của người tiêu dùng đã và đang thay đổi. Họ muốn ngồi nhà, muốn mua hàng trực tuyến (online), muốn được giao tận nơi, họ muốn được chăm sóc sức khoẻ hơn. Vì vậy, theo ông Hải, phía công ty ngoài việc tập trung vào những thực phẩm có lợi cho sức khoẻ người tiêu dùng, còn chú trọng phát triển vào kênh phân phối online khi mà người mua đang dành nhiều thời gian để mua sắm qua kênh này.
Theo ông Hải, điểm đáng ghi nhận ở công ty là sức tăng trưởng từ đầu năm đến nay đạt đến mức tăng trên 50%. Đây là một con số trong mơ với nhiều DN nội địa trong những ngành hàng khác vốn đang chật vật vì dư âm Covid-19.
Ngoài ra, ông Hải chia sẻ thêm công ty đang tập trung vào một kênh phân phối khá mới mẻ trên mạng xã hội, với thông điệp “trẻ” được đưa đến với các khách hàng trẻ. Chẳng hạn như việc làm một clip sản phẩm có tính chất “nhí nhảnh” trên kênh Tiktok nếu thu hút cả triệu người xem sẽ có lan toả rất lớn cho thương hiệu thực phẩm Việt.
Một cuộc khảo sát mới đây của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, thực phẩm là một trong những mặt hàng được sử dụng nhiều hơn cả trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 và vẫn là ưu tiên trong lựa chọn tiêu dùng trong tương lai gần. Và như kết quả khảo sát đã thể hiện rõ mua sắm đa kênh là xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng hiện nay.
Điển hình với mặt hàng thực phẩm Việt, người tiêu dùng chọn việc mua sắm qua kênh đại siêu thị chiếm trên 50%, đến với kênh siêu thị được giảm xuống còn 35%, rồi đến kênh cửa hàng tiện lợi thì gần 30%, với kênh sạp, ki ốt tại chợ giảm hơn 20%, kênh tạp hoá dưới 20%, kênh online gần 20%, còn với các cửa hàng chuyên hoặc đại lý giảm khoảng 10%.
Nhìn từ những cuộc khảo sát trong thời gian qua thể hiện rõ trào lưu mua sắm đa kênh, giới chuyên gia nhấn mạnh đó là xu thế tất yếu và ngành hàng thực phẩm Việt phải thích ứng nhanh với xu hướng này nếu không muốn bị tụt lại ở phía sau.
Nếu nhìn vào sức tăng trưởng ngoạn mục ở một số DN nội địa trong ngành thực phẩm dù gặp tác động từ dịch Covid-19 có thể thấy phân phối đa kênh là yếu tố sống còn với ngành thực phẩm Việt trong lúc này.