Cách đây 30 năm, vào năm 1989, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước LHQ về quyền trẻ em (CRC). Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này vào năm 1990. Dẫu thế, tỉ lệ trẻ em nghèo đa chiều tại nước ta vẫn còn cao, cùng với đó việc thực hiện quyền trẻ em vẫn là một vấn đề đáng suy ngẫm.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 tại Thanh Hóa.
Còn khoảng 5, 5 triệu trẻ em trong diện nghèo đa chiều
Ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho hay, trong suốt 3 thập niên qua, việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống cho hàng triệu trẻ em trên đất nước. Tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong đã giảm đáng kể, tỉ lệ tiêm chủng cao, số trẻ em được đến trường cao nhất trong lịch sử. Các lĩnh vực như nước sạch và vệ sinh môi trường cho trẻ em cũng đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, hiện trẻ em đang phải đối mặt với những mối đe dọa mới là sự xâm phạm quyền trẻ em, điều này khiến rất nhiều trẻ em không được hưởng tuổi thơ một cách trọn vẹn.
Hiện có sự chênh lệch giữa các nhóm trẻ em như: Trẻ em nam và trẻ em nữ, trẻ em nông thôn và thành thị. Cứ 5 trẻ lại có một trẻ - tức là khoảng 5,5 triệu trẻ em ở Việt Nam là trẻ em nghèo đa chiều, nghĩa là các em không được thực hiện hai trong số các quyền cơ bản về giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, hòa nhập xã hội, nước sạch và vệ sinh. Phát triển kinh tế mạnh mẽ đã kéo theo đô thị hóa nhanh và điều này đã đặt các gia đình di cư vào tình trạng dễ bị tổn thương hơn vì họ bị hạn chế hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội...
Những con số thống kê khác cho thấy, tỉ suất chết ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam sơ bộ năm 2018 là 21,4/1.000 do các nguyên nhân có thể phòng tránh; mỗi năm trung bình có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước và 1.900 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông; gần 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi và các em sẽ phải chịu sự tổn thương về thể chất và trí tuệ; 3 triệu trẻ em không được sử dụng nước sạch…
Xâm hại, bạo lực, quấy rối trẻ em gia tăng
Cục Trẻ em cho hay, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong hai năm 2017-2018 cả nước có gần 3.000 vụ với 3.400 đối tượng và 3.200 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm tới 81,3% trong các vụ xâm hại trẻ em (đã xử lý hình sự 2.600 vụ với 2.800 đối tượng; 53 vụ mua bán trẻ em với 63 nạn nhân). Tình trạng trẻ em bị xâm hại hiện nay đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. 63/63 tỉnh, thành phố, đều xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em. Điều đáng buồn là nơi xảy ra các hành vi xâm hại thường là cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình của trẻ em.
Tình hình mua bán trẻ em diễn biến phức tạp, các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, thông qua các trang mạng xã hội tiếp cận, rủ rê, lôi kéo, thực hiện các hành vi mua bán trẻ em.
Giờ đây, việc kết nối không gian mạng đã mang lại những thay đổi lớn lao đối với trẻ em, giúp các em phát triển tiềm năng và có thể giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Nhưng sự phát triển kỹ thuật cũng mang tới những nguy cơ cho trẻ. Trẻ em vốn dễ tổn thương nay lại phải đối mặt với những nguy cơ to lớn hơn, bao gồm cả việc đánh mất đi sự riêng tư hoặc bị xâm hại bởi môi trường mạng.
Việt Nam là một trong những nước có số lượng người sử dụng internet cao. Mạng xã hội cũng rất phổ biến với khoảng 64 triệu người sử dụng. trong số đó có một số lượng lớn là trẻ em và người chưa thành niên. Các nghiên cứu khảo sát gần đây cho thấy, trẻ em Việt Nam đã bị bắt nạt và quấy rối trên mạng, tự đặt mình vào nguy hiểm khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng bao gồm cả việc chia sẻ những hình ảnh và video gợi cảm và thiết lập các mối quan hệ trên mạng mà không nhận thức được các rủi ro tiềm ẩn. Trẻ em cũng là đối tượng dễ bị xâm hại và bóc lột tình dục trên mạng.
Điều đó cho thấy, đã đến lúc chúng ta phải hành động, bảo vệ quyền cho mọi trẻ em và cần hành động một cách mạnh mẽ hơn nữa. Điều quan trọng là Việt Nam cần đẩy mạnh khung pháp lý để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Điều này bao gồm nâng độ tuổi trẻ em trong Luật Trẻ em lên 18 tuổi, để các em có thể được hưởng lợi từ hệ thống bảo vệ trẻ em. Trẻ em phải được pháp luật bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm hại, bao gồm cả bạo lực, trừng phạt thân thể, quấy rối hoặc bất cứ hình thức khiêu dâm trẻ em hay xâm hại tình dục. Ngoài ra, để bảo vệ trẻ em, đặc biệt khỏi bạo lực và xâm hại tình dục, cần một hệ thống công tác xã hội mạnh hơn, có thể đảm bảo một mạng lưới dịch vụ hỗ trợ, bắt đầu từ phòng ngừa và can thiệp sớm tại cấp cơ sở, cho đến các dịch vụ chuyển gửi và bảo vệ trẻ em chuyên biệt.