Khoảng 2 tuần nữa nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk sẽ bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2017-2018. Nhờ hiệu quả từ mô hình “Tổ tự quản bảo vệ cà phê” ở các thôn, buôn, tổ dân phố nên các nông hộ trồng cà phê ở Đắk Lắk an tâm để cà phê chín đều, đảm bảo năng suất, chất lượng rồi mới thu hái, chứ không còn tâm lý “xanh nhà hơn già đồng” như nhiều vụ trước.
Kiểm tra bảo vệ cà phê.
Anh Y Đương Niê, buôn Cuôr Đăng B, huyện Cư M’gar cho biết, gia đình có 3 héc ta cà phê cách nhà ở 2 km.
Gần một năm đầu tư bón phân, chăm sóc đến nay vườn cà phê của gia đình đã chín được 80%, năng suất niên vụ này dự kiến được hơn 8 tấn cà phê nhân.
Theo anh Y Đương, các năm trước buôn Cuôr Đăng B xảy ra trộm cắp vặt nhiều, nhất là nạn trộm cắp cà phê xanh, non bán cho thương lái, gây thiệt hại nhiều cho nông dân.
Do rẫy cà phê ở xa nhà nên đến mùa thu hái cà phê (tháng 11 đến tháng 12), đêm nào vợ anh và các hộ dân cũng phải ngủ trong “chòi rẫy” để canh chừng kẻ gian hái trộm. Nhiều hộ dân không có người canh chừng thì phải thuê nhân công hái cà phê xanh về phơi khô, hoặc bán cho thương lái với giá rẻ.
Niên vụ này, ngay từ đầu tháng 10, UBND xã Cuôr Đăng đã lên kế hoạch cử lực lượng công an, dân phòng, phối hợp với chủ lô cà phê thành lập các tổ tự quản, tăng cường tuần tra, bảo vệ nên bà con không còn lo lắng nạn trộm cắp cà phê xanh như các năm trước nữa, mà an tâm chờ cà phê chín đều mới thu hái.
Trưởng Công an xã Cuôr Đăng Y Rết Niê Kđăm cho biết: Xã Cuôr Đăng có 2.300 héc ta cà phê đang trong chu kỳ kinh doanh. Do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, phần lớn lô cà phê nằm dọc hai bên đường Hồ Chí Minh nên kẻ gian thường lợi dụng sơ hở của người dân để hái trộm.
Trước tình hình trên, công an xã đã khảo sát, cắm các biển báo, biển cấm trong các lô cà phê, thành lập các tổ tự quản, chốt chặn trên các trục đường ra vào các lô cà phê, các đầu mối ra quốc lộ.
Công an xã đã thành lập 6 tổ tự quản tại 6 buôn, mỗi tổ có 6 thành viên, thay phiên nhau bám buôn, tuần tra, phòng ngừa kẻ gian đảm bảo an toàn cho nông hộ thu hái cà phê.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, huyện có 34.000 ha cà phê đang cho kinh doanh, để tăng cường bảo vệ cà phê cho nông dân đầu năm 2016, huyện đã thành lập thí điểm mô hình tổ tự quản bảo vệ cà phê tại 4 xã, thị trấn: Cư Suê, Quảng Phú, Ea Kpam, Ea Kuếh.
Trong đó mỗi thôn, buôn thành lập 1 tổ tự quản do công an xã, trưởng thôn, buôn làm nòng cốt, các chủ lô phối hợp duy trì tuần tra, bảo vệ nên tình hình trộm cắp cà phê trên địa bàn đã giảm đáng kể.
Bước đầu thành công với mô hình tổ tự quản bảo vệ cà phê tại các địa phương. Niên vụ này, huyện CưM’gar đã triển khai mô mình đồng loạt trên tất cả 17 xã, thị trấn với 189 tổ tự quản tại các thôn, buôn, tổ dân phố.
Để các tổ tự quản hoạt động hiệu quả, huyện CưM’gar đã trích nguồn kinh phí 3 tỷ đồng, hỗ trợ mua sắm quần áo, dụng cụ như gậy cao su, đèn pin, hỗ trợ xăng xe cho các thành viên tổ tự quản.
Không chỉ bảo vệ cà phê, các sản phẩm nông nghiệp như hồ tiêu, bơ, tổ tự quản còn đấu tranh, ngăn chặn giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.
Phó Chủ tịch UBND huyện CưM’gar Nguyễn Văn Minh cho biết thêm: Mùa thu hái cà phê cũng là thời điểm lượng nhân công từ các địa phương khác đổ về Đắk Lắk hái cà phê thuê.
Do biến động về nhân khẩu, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, nhiều đối tượng núp bóng vỏ bọc người làm thuê, gây mất an ninh trật tự.
Để bảo đảm cho người dân, ngoài việc tăng cường lực lượng tuần tra bảo vệ cà phê ở nương rẫy, huyện chỉ đạo lực lượng công an tăng cường kiểm tra nhân hộ khẩu, lao động thu hái cà phê từnơi khác đến; thông báo cho các doanh nghiệp, các cơ sở không thu mua cà phê xanh, non của các đối tượng nghi là trộm cắp.
Cùng với huyện CưM’gar, các địa phương vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Đắk Lắk như: Krông Búk, Krông Pắk, Ea H’leo, Krông Năng, Ea Kar cũng đã triển khai nhân rộng mô hình các tổ tự quản giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ nông sản, hạn chế tình trạng trộm cắp, phá hoại các sản phẩm nông nghiệp của người dân.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 203.357 ha cà phê, trong đó cà phê của các nông hộ chiếm trên 90% diện tích. Nhờ việc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt là các tổ tự quản bảo vệ cà phê tại các địa phương nên tình hình an ninh trật tự tại các thôn, buôn luôn được đảm bảo. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 43 vụ trộm cắp nông sản thì từ đầu niên vụ cà phê 2017-2018 này chưa xảy ra nạn trộm cắp cà phê xanh, non trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. |