Hoàn thiện quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước

Việt Thắng 26/10/2023 11:51

Bổ sung nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.

Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phát biểu tại phiên họp, ĐB Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định hành lang bảo vệ nguồn nước được lập để bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước. Bên cạnh đó là phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tôn giáo, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước.

Đối với mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước, bà Dung cho rằng, cần có quy định cụ thể hơn về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện, việc quản lý, sử dụng đất trong phạm vi hành lang cũng cần được cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng và quy định rõ ràng.

Bà Huỳnh Thị Phúc phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Theo ĐB Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung các quy định thể chế hóa 4 nhóm chính sách lớn về: bảo đảm an ninh nguồn nước, xã hội hóa ngành nước, kinh tế bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác.

Tuy nhiên để tránh chồng chéo và khó áp dụng trong thực tế, bà Phúc đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm lãm rõ khoản 5 Điều 22 về việc phân vùng chức năng nguồn nước được xác định trong quy hoạch sông liên tỉnh, quy hoạch tỉnh và nguồn nước nội tỉnh.

Bà Phúc nói: “Đề nghị bổ sung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra. Trong quy hoạch tỉnh, cùng với việc phân vùng, chức năng nguồn nước được xác định trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh”.

Ông Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình (Ảnh: Quang Vinh)

Trước đó, báo cáo về một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn nước.

Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, khái niệm an ninh nguồn nước hiện đang được sử dụng thống nhất trên thế giới gồm 4 thành tố: đảm bảo các hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái liên quan được bảo vệ và củng cố; phát triển bền vững và ổn định chính trị được đẩy mạnh; mỗi người đều được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí hợp lý để có cuộc sống khỏe mạnh, sung túc; các đối tượng dễ bị tổn thương sẽ được bảo vệ trước rủi ro từ những thảm họa liên quan đến nước. Do vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra tại khoản 1 Điều 3.

Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước (Chương III), theo ông Huy có ý kiến đề nghị bổ sung một điều về bảo vệ nước mặt; ý kiến khác đề nghị tăng cường quản lý tài nguyên nước theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn.

“Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định về bảo vệ nguồn nước mặt, trong đó có bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt, đã được quy định riêng tại Điều 21. Đồng thời, đã bổ sung các quy định về quản lý tài nguyên nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cụ thể như: Bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy tại Điều 25; việc trám lấp giếng khi không còn sử dụng và không có kế hoạch tiếp tục sử dụng để bảo vệ nước dưới đất tại khoản 1 Điều 31; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt tại Điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản tại Điều 47; phòng, chống xâm nhập mặn tại Điều 64; phòng, chống sụt, lún đất tại Điều 65; Phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ tại Điều 66”-ông Huy cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Thông phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, dự thảo luật lần này đã bổ sung nhiều quy định mới, trong đó nhiều nội dung quy định xuất phát từ thực tiễn quản lý thời gian qua và những vấn đề hiện nay và trong thời gian tới. Quan tâm đến việc phát triển khoa học công nghệ, ông Thông đề nghị nghiên cứu giải pháp xử lý nước biển thành nước ngọt nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.

Về dòng chảy tối thiểu, ông Thông chỉ rõ theo quy định dự thảo Luật, dòng chảy tối thiểu là căn cứ cơ sở để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định, nhiều nhiệm vụ quan trọng như quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, quy trình vận hành hồ chứa, việc cấp giấy phép. Như vậy, việc xác định dòng chảy tối thiểu phải triển khai làm trước. Tuy nhiên, trong dự thảo luật không quy định thời gian nào là phải làm, bao lâu phải xong và thời gian công bố cũng như về phương pháp, công cụ tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến việc xác định dòng chảy ở mức tối thiểu được gọi là thấp nhất tại các dòng sông liên quốc gia hay liên tỉnh, nội tỉnh, hồ chứa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoàn thiện quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước