Một trong những điểm mới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện vào năm học tới đây đối với học sinh lớp 6 bậc THCS là thay đổi cách đánh giá, xếp loại học sinh. Cả giáo viên và phụ huynh đều đang kỳ vọng rằng, thông tư mới sẽ mang lại nhiều điểm tích cực. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc giúp học sinh không còn học lệch.
Tạo công bằng giữa các môn học
Đánh giá về Thông tư 22 vừa được Bộ GDĐT ban hành trước thềm năm học mới, về việc đổi mới đánh giá học sinh, ông Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng các trường THCS - THPT Lê Quý Đôn, THPT Việt Đức cho rằng điều này sẽ góp phần tạo ra sự công bằng giữa các môn học, phù hợp với yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông.
Ông Bình phân tích, trước đây chúng ta cứ nói đến giáo dục toàn diện nhưng cách đánh giá, thi cử làm cho học sinh học lệch. Thông tư 22 đã khắc phục được điều này, làm cho học sinh phải học đều các môn thay vì chỉ tập trung vào Toán, Văn, Ngoại ngữ. Cụ thể, Thông tư 22 không tính điểm trung bình chung của tất cả các môn như trước đây. Cách tính điểm trung bình chung của tất cả các môn dẫn đến học sinh có thể học lệch, chỉ cần tập trung ở một số môn và lơ là ở các môn khác vì điểm môn này có thể gánh cho môn kia. Việc đánh giá học sinh theo một điểm số duy nhất cũng không cho chúng ta thấy được học sinh có thiên hướng về học tập như thế nào, giỏi môn gì.
Bên cạnh đó, trong cách đánh giá học sinh cũ có quy định riêng với môn Toán và Ngữ văn. Học sinh bắt buộc phải có điểm trung bình môn Toán hoặc Ngữ văn đạt từ 8 điểm trở lên với các em xếp loại giỏi, từ 6,5 điểm trở lên với các em xếp loại khá và từ 5 trở lên với các em loại học lực trung bình. Cách đánh giá đó đã dẫn đến tư duy môn chính - môn phụ với nhiều hệ lụy: Các em học lệch, chỉ chú trọng Toán, Văn mà không coi trọng đúng mức các môn còn lại. Vì thế, có em điểm Toán rất cao nhưng lại không biết gì về lịch sử, về kiến thức xã hội…
Không có áp lực “giỏi toàn diện”
Xóa bỏ quan điểm môn chính, môn phụ, khích lệ sự tiến bộ của học sinh thông qua việc đánh giá thường xuyên và định kỳ - những điểm mới trong quy định đánh giá học sinh trung học sẽ thực hiện vào năm học tới đang nhận được sự đồng tình của cả giáo viên, phụ huynh và học sinh.
So với quy định hiện hành về điểm trung bình học các môn để lấy căn cứ xếp loại học lực học sinh trong học kỳ và cả năm, thì Thông tư 22 mới, quy định này đã không còn. Điểm trung bình học kì và năm học chỉ được tính của riêng cho từng môn học. Sẽ không có tình trạng môn học này có thể gánh điểm cho môn học kia để dẫn đến học lệch.
Việc xếp loại học sinh giỏi không cần xét điểm trung bình Toán và Ngữ văn trên 8,0 như hiện nay. Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT cho biết, quy định này thể hiện quan điểm coi các môn học công bằng như nhau, không có môn nào là môn chính hay môn phụ, không phải cứ giỏi Toán, Văn mới là học sinh giỏi. Khi các môn học được coi trọng như nhau sẽ giúp cho học sinh có thể thỏa sức phát huy hết khả năng của mình ở môn học mà các em có năng khiếu, theo sở thích riêng và được nhìn nhận, đánh giá công bằng.
Đánh giá về điểm mới này của Thông tư 22, GS. TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng đây là những thay đổi mang ý nghĩa nhân văn, giúp học sinh hào hứng phấn đấu trong học tập bởi khi được ghi nhận dù ở bất cứ phương diện nào cũng tạo động lực thúc đẩy sự cố gắng hơn nữa, tâm lý tích cực của học sinh. Tinh thần này cũng giúp lan tỏa tới toàn bộ lớp học những năng lượng tích cực, niềm đam mê với lĩnh vực mà các em muốn theo đuổi.
Thay đổi phải bắt đầu từ người thầy
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Minh Hạc cho rằng sự tiến bộ trong cách đánh giá học sinh như Thông tư 22 mới ban hành sẽ thực sự phát huy hiệu quả nếu đi kèm với đó là những đổi mới thi cử, đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình học tập.
Bởi nhìn vào thời khóa biểu hiện nay của học sinh các cấp vẫn có thể thấy, với khối lượng học tập các môn Toán, Tiếng Việt (cấp Tiểu học) hay Ngữ văn, Ngoại ngữ… ở cấp THCS, THPT vẫn chiếm phần lớn thời gian học tập của học sinh học tại trường. Các trường đại học tuyển sinh sau này cũng căn cứ theo xếp loại học bạ các môn học hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT với khối thi A, B, C, D truyền thống…
Vì vậy, để xóa bỏ quan niệm môn chính - môn phụ bên cạnh nỗ lực của Bộ GDĐT trong việc ban hành các thông tư, chính sách mới, đi kèm với đó phải là những thay đổi cốt lõi trong việc đánh giá học sinh, bắt đầu từ chính người thầy. Đã từng có thời những môn học bị coi là phụ phải dạy dồn, dạy ép cho hết tiết để nhường thời gian cho các môn chính ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Nay, với cách đánh giá để kết quả học tập của từng môn học riêng rẽ, học sinh, phụ huynh và thầy, cô giáo có thể nhìn nhận cụ thể mỗi em có những điểm mạnh, yếu khác nhau để hỗ trợ và khích lệ các em.