Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết và đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt, hai FTA thế hệ mới là EVFTA và CPTPP hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, bởi đây là hai thị trường lớn bao gồm nhiều nước có tiềm năng trở thành đối tác quan trọng của Việt Nam, trong đó EVFTA được ví như “con đường cao tốc” để các doanh nghiệp (DN) Việt có thể chớp cơ hội bứt phá.
3 FTA quan trọng trong năm khó khăn 2020
“Với dân số 508 triệu người, tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, có thể khẳng định, EU chính là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Và EVFTA mở ra những cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa của nước nhà” - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh từng nhấn mạnh như vậy khi nói về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, một hiệp định quan trọng mà phải mất gần 10 năm đàm phán chúng ta mới đi đến đích cuối cùng vào tháng 6/2019, và chính thức thực thi từ tháng 8/2020 vừa qua.
Dù mới được thực thi từ tháng 8/2020 song trong vòng hơn 6 tháng qua, EVFTA đã phát huy những mặt mạnh có được khi tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đạt được những con số vô cùng ấn tượng. Trong đó, thủy sản, gạo, dệt may, giày dép, sản phẩm nhựa... là những mặt hàng nhanh nhạy nhất.
Tuy nhiên, trong năm 2020, không chỉ có EVFTA, Việt Nam còn ký hiệp định thương mại tự do khác rất quan trọng, đó là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). RCEP bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Đây là một hiệp định có quy mô thị trường lớn với 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Theo đó, các DN Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.
Tuy nhiên, RCEP cũng đặt ra những thách thức cho ngành nông nghiệp nếu muốn tận dụng hiệu quả lợi thế từ hiệp định. Ðó là việc các mặt hàng tương đồng sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn giữa các quốc gia tham gia RCEP, trong đó một số quốc gia có cùng chủng loại hàng nông sản với nước ta. Mặt khác, khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cũng trở thành thị trường nhập khẩu nông sản lớn từ các nước trong RCEP, nên các DN nước ta chắc chắn sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt ngay chính trên “sân nhà” trong cuộc chiến chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, để tận dụng tốt các cơ hội từ hiệp định này, các DN Việt Nam cần hết sức khẩn trương, chủ động nắm bắt những thuận lợi mà hiệp định mang lại, đồng thời khắc phục những “lỗ hổng”, yếu kém của mình.
Cũng trong năm 2020, Việt Nam ký kết một FTA nữa, đó là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA). Với những nền tảng cam kết và tiến bộ cao kế thừa từ Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA tiếp tục là động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư song phương và tạo sức bật kinh tế hỗ trợ người dân và DN hai bên vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức của dịch bệnh Covid-19, cũng như phát huy quan hệ thương mại tốt đẹp giữa hai bên trong thời gian qua, cùng hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng cho Vương quốc Anh và Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD. Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm. Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức cao (trên 10%).
2 năm thực thi CPTPP, doanh nghiệp thêm cơ hội vào các thị trường mới
Sau 2 năm thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), môi trường kinh doanh của Việt Nam có những biến đổi rõ rệt. Xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng (trong khoảng từ 26% - 36%). Năm 2019, xuất khẩu sang 6 nước CPTPP đạt 34,3 tỷ USD, tăng 8,1%. Năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu sang 6 nước duy trì ở mức gần tương đương 2019, đạt 34 tỷ USD, tăng 12,02%.
Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu năm 2019, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng này cho thấy CPTPP đã và đang tạo ra những tác động tích cực.
“Có 2 thị trường nổi lên trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sang khối CPTPP là Canada và Mexico” - bà Trang cho biết. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada năm 2020 đạt kim ngạch gần 4,4 tỷ USD, tăng 12%, cao hơn nhiều so với mức tăng xuất khẩu chung (7%). Còn Mexico cũng nổi lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 lại Mỹ Latin. Trong thời gian qua, thương mại hai chiều tăng bình quân 14,6%/năm. Xuất khẩu tăng bình quân 18,8%/năm.
Những con số trên khẳng định, CPTPP đã mở rộng đường cho hàng Việt sang châu Mỹ, vốn rất mới mẻ và tiềm năng. CPTPP chính là một trong những FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường lớn này.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2019, năm đầu tiên thực thi CPTPP, Việt Nam thu hút gần 9,5 tỷ USD vốn FDI từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với 2018, trong đó vốn đăng ký cấp mới 4,05 tỷ USD, giảm 51,3%, vốn đăng ký tăng thêm 1,6 tỷ USD, giảm 50,6%, giá trị góp vốn mua cổ phần 4,4 tỷ USD, tăng 36,5%.
Cơ hội phụ thuộc hành động của mỗi doanh nghiệp
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, để chủ động tham gia EVFTA, các ngành sản xuất trong nước cần tập trung vào việc hình thành chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa.
“Điều quan trọng là các DN cần sớm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp; hình thành và phát huy hiệu quả các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho DN cũng như hình thành các cụm liên kết vùng để các ngành hàng trong nước tận dụng thế mạnh và lợi thế trong bối cảnh hội nhập” - ông Doanh nêu quan điểm và cho rằng các FTA thế hệ mới như EVFTA hay CPTPP sẽ mở ra những cơ hội mới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, các DN Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng các cơ hội mở ra từ Hiệp định thương mại tự do này. Song có thể tận dụng một cách “hoàn hảo” hay không, phụ thuộc vào chính bản thân nỗ lực của mỗi DN Việt Nam.
Còn theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nỗ lực của mỗi DN là chưa đủ. Để DN có thể nâng sức cạnh tranh, chúng ta cần phải quay trở về với vấn đề cơ bản nhất của môi trường kinh doanh. Đó là, môi trường kinh doanh Việt Nam cần phải tiếp tục có những nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa, cải cách về mọi mặt: Thể chế, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh... để thực sự tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, giảm các gánh nặng về các loại chi phí như chi phí logistics, chi phí các loại phát sinh ngoài luồng cũng như giảm thiểu những rườm rà trong điều kiện, giấy phép kinh doanh.
Nhưng, trên hết có thể khẳng định, càng ngày kinh tế Việt Nam càng hội nhập sâu, từ đó cơ hội mở ra ngày càng lớn. Điều đó cũng khẳng định một điều nền kinh tế Việt Nam ngày càng chủ động hội nhập, và đó cũng là thành tựu của một nền kinh tế mở cửa, hướng tới sân chơi toàn cầu.