“Từ khi chồng bị tai biến mất khả năng lao động, bản thân tôi bị thương tật vì tai nạn giao thông, kinh tế gia đình trở nên khó khăn. May mắn đã đến khi tôi tham gia Tổ hợp tác phụ nữ kinh doanh chăn nuôi dê Hiệp Thành và được tặng dê giống, hỗ trợ vốn xoay vòng. Từ đó, gia đình tôi đã có lối thoát” - chị Trần Thị Liên ở ấp Hiệp Hoàn, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh cho biết.
Không chỉ chị Liên mà nhiều hội viên phụ nữ ở xã Lộc Hiệp được hỗ trợ thoát nghèo từ việc trao dê giống và vay quỹ góp vốn xoay vòng của tổ hợp tác để phát triển kinh tế.
Nhờ nghề dệt thổ cẩm mà chị Điểu Thị Dôn, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Bom Bo, xã Bình Minh (Bù Đăng), không chỉ có thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho chị em trong thôn.
Không sự bắt đầu nào là muộn
Ở tuổi 60, bà Trần Thị Ngọ, ấp Lộc Thành, xã Lộc Hiệp không chỉ tự chủ về kinh tế mà còn là hạt nhân của Tổ hợp tác phụ nữ kinh doanh chăn nuôi dê Hiệp Thành, truyền động lực cho nhiều chị em khó khăn vươn lên thoát nghèo. Bà Ngọ luôn nêu cao tinh thần “nói đi đôi với làm” và là một trong những người nuôi dê sớm nhất ở xã Lộc Hiệp.
Khi thịt dê là thực phẩm sạch, nhiều thương lái, chủ quán đặt hàng với giá ổn định đã mở ra cơ hội cho bà Ngọ. “Thời điểm đó, mỗi đợt bán dê tôi lại có tiền giúp các con xây nhà, mua đất. Thấy tôi nuôi dê hiệu quả các hộ trong xã đã làm theo. Khi thị trường bão hòa, giá thịt dê xuống thấp, người dân trong xã thi nhau bán rẻ, tôi lại thu mua. Nuôi dê vốn đầu tư thấp, dễ chăm sóc, thích hợp với các hộ khó khăn. Những thành quả mà tôi đạt được tuy không lớn lao gì nhưng đó là điều mà tôi muốn chuyển đến với mọi người rằng: Chỉ có hành động mới đem đến kết quả thiết thực, không có sự bắt đầu nào là muộn, chỉ muộn khi không bao giờ hành động” - bà Ngọ cho biết.
Từ thành công của bà Ngọ, nhiều chị em trong xã làm theo, gắn kết với nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi dê. Thấy ai khó khăn không có vốn nhưng chăm chỉ, chịu khó, họ lại vận động cùng nhau giúp vốn, tặng con giống. Năm 2017, các chị được Hội Phụ nữ huyện Lộc Ninh hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác phụ nữ kinh doanh chăn nuôi dê Hiệp Thành. “Hiện tổ có 32 thành viên, không có hộ nghèo và cận nghèo, với tổng 900 con dê. Trong quý 1/2017, các thành viên đã bán 1.300kg dê thịt. Thu nhập từ nguồn nuôi dê của mỗi hộ bình quân 3,6 triệu đồng/tháng. Tuy mới thành lập nhưng quỹ góp vốn xoay vòng của tổ từ 2,3 triệu đồng hiện đã được 12 triệu đồng” - bà Ngọ cho biết thêm.
Chị Phạm Thị Thúy Phượng, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Lộc Ninh cho biết: Hội hỗ trợ chị em phát triển kinh tế từ những công việc phù hợp đặc thù huyện và khả năng của từng chị. Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận vốn ưu đãi ngân hàng chính sách, quỹ khởi nghiệp để vươn lên. Vốn hỗ trợ bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/chị. Các nghề phổ biến được chị em lựa chọn là mở tiệm hớt tóc, chăn nuôi, trồng trọt...
Lan tỏa tới từng hội viên
2017 là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Hội Phụ nữ tỉnh đã phát động nhiều phong trào nhằm vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống bằng nhiều hình thức và được các cấp hội hưởng ứng, có nhiều kết quả thiết thực.
Điển hình là Hội Phụ nữ huyện Hớn Quản, ngoài hỗ trợ vốn còn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như xoay vòng tặng bò, dê cho hội viên nghèo ở 2 xã Minh Tâm và Tân Lợi; chuyển giao con giống ở xã Thanh An với việc tặng 500 con ngan giống cho 18 hội viên; mô hình trồng rau sạch và chế biến thực phẩm sạch trên địa bàn huyện với 7 thành viên tham gia, diện tích khoảng 1 ha.
Sau gần 4 tháng hoạt động đã có 200 kg rau sạch bán ra thị trường. Đầu năm 2017, gặp khó khăn về vốn đầu tư, chị Nguyễn Thị Kim được Hội Phụ nữ xã Thanh An hỗ trợ vay vốn Ngân hàng chính sách 50 triệu đồng và vốn của hội 5 triệu đồng. Tháng 2/2017, chị Kim đầu tư chăn nuôi gà thả vườn và vịt xiêm. Đến nay, việc chăn nuôi thành công, chị Kim thu nhập ổn định 8 triệu đồng/tháng.
Là điển hình đồng bào dân tộc thiểu số trong vận động, hỗ trợ phụ nữ làm ăn, chị Điểu Thị Trang ở thôn Bình Lợi, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng cho rằng: Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, vì vậy hỗ trợ phát triển kinh tế là phải trao cho họ cả “cần câu và con cá”. Tôi đã dùng 50 triệu đồng tiết kiệm được cho 15 chị em mượn để làm kinh tế, trong đó 2 chị đã vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, hướng dẫn 15 chị nhận điều về bóc vỏ lụa kiếm thêm thu nhập. Hỗ trợ và giới thiệu 3 chị tìm được việc từ nghề dệt thổ cẩm và giúp các chị tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện hội viên Chi hội phụ nữ thôn Bình Lợi đã có thu nhập ổn định khoảng 2,5 triệu đồng/tháng”.
Những thành công trong vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã không chỉ giúp chính gia đình các chị vươn lên thoát nghèo, mà còn góp phần tích cực thực hiện tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thời gian qua.