Chưa đầy 1 tháng, thành phố Đà Nẵng xảy ra vụ 2 tung tin thất thiệt và tạo dựng văn bản của Chủ tịch UBND thành phố, nhằm trục lợi lừa đảo đất đai. Có gì đó rất không bình thường nảy sinh, tồn tại ở Đà Nẵng qua từng giai đoạn quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị, từ đó xuất hiện đối tượng đầu cơ, buôn bán bất động sản (cò đất).
Dù chính quyền thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực khắc phục sai lầm, sai phạm về đất đai theo Kết luận Thanh tra (số 2852/KL-TTCP ngày 2/11/2012) của Thanh tra Chính phủ thì hậu quả, hệ lụy của quy hoạch “phân lô bán nền” vẫn đeo đẳng, thậm chí còn phát sinh thêm những xáo trộn, bất ổn.
“Sàn giao dịch” bất động sản có gắn bánh xe ở khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), đang được đẩy đi nơi khác. Ảnh: Thanh Tùng.
Đã gần 1 tháng sau cơn sốt đất ảo xảy ra ở xã miền núi Hòa Liên, huyện Hòa Vang, nhiều người vẫn chưa lấy lại được tinh thần. Chỉ trong 3 ngày (từ ngày 5 đến ngày 8/10) đất tái định cư (TĐC) ở xã Hòa Liên bị đẩy lên mức không tưởng (từ vài trăm triệu/nền lên đến 1,5 và 1, 6 tỷ đồng/nền), thu hút hàng trăm người đổ về mua đi bán lại hưởng chênh lệch.
Bong bóng bất động sản bị vài nhóm cò đất lấy cớ chính quyền di dời 2 nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc ô nhiễm đi nơi khác “thổi” bùng lên, nhanh chóng xẹp xuống kể từ ngày 9/10. Các sàn giao dịch bất động sản ở xã Hòa Liên đến nay không còn người lai vãng.
Lúc đỉnh điểm, cò đất mua bán sang tay vài lô đất trong ngày, có thể kiếm được cả tỷ đồng. Hầu hết giao dịch đất nền TĐC được thực hiện chỉ bằng giấy viết tay. Một số người lỡ mua đất nền, đất TĐC tại xã Hòa Liên ở thời điểm bị “thổi giá” lên cao ngất ngưởng từ 1,2 tỷ đến 1,6 tỷ đồng, hiện không thể bán lại với giá vài trăm triệu đồng.
Đêm 1/11, mạng xã hội xuất hiện văn bản số 738/2018/UBND-XDCB ngày 31/10/2018 do ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố này ký, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, UBND quận Cẩm Lệ, UBND quận Ngũ Hành Sơn về việc phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bui Tá Hán sang khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). Cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng xác định đây là văn bản giả mạo, được các đối tượng cò đất tạo ra, tung lên mạng xã hội nhằm tạo cơn sốt đất ảo trên địa bàn 2 quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ để lừa đảo, trục lợi.
Trước khi xảy ra 2 vụ việc nghiêm trọng nói trên, rất nhiều người cũng bị sập bẫy cò đất với số tiền thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Giữa năm 2017, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an TP Đà Nẵng, khởi tố, bắt tạm giam cò đất Ngô Thị Thu Hằng (42 tuổi, trú tại phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu). Đối tượng này dùng bản photo sơ đồ phân lô đất mà TP Đà Nẵng bố trí cho cán bộ, sỹ quan công tác tại Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân ở khu vực sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn) để lừa đảo, bán sang tay 69 lô đất, chiếm đoạt gần 14 tỷ đồng tiền đặt cọc của những người nhẹ dạ.
Trong năm 2017, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết cũng từng theo chân người mua đất TĐC ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, chứng kiến cò đất sử dụng bản pho to sơ đồ lô đất TĐC trên địa bàn xã này, dụ người mua đặt cọc. Không có đất giao, không làm được sổ đỏ cho người mua, cò đất tắt điện thoại. Khi người mua tìm đến nhà đòi lại tiền cọc như cam kết thì nghe cò đất tuyên bố, muốn lấy lại tiền thì gửi đơn ra tòa! Tại khu đô thị sinh thái Hòa Xuân hiện nay, sàn giao dịch bất động sản dày đặc, san sát nhau. Chỉ với một vỏ container và bộ bàn ghế là cò đất đã dựng lên sàn giao dịch. “Sàn” còn được lắp đặt bánh xe để dịch chuyển khi cần thiết”.
Tại khu dân cư Bá Tùng và khu dân cư Tân Trà (quận Ngũ Hành Sơn), điểm giao dịch bất động sản san sát, khiến bất cứ người nào đến tìm mua đất đều có cảm giác rơi vào “mê hồn trận”, mất đi sự tỉnh táo cần thiết. Phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cũng đang là điểm nóng của sự thao túng, mua đi, bán lại bất động sản. Có người bán căn nhà cấp 4 giá 1 tỷ đồng, 7 ngày sau, căn nhà được sang tay cho ít nhất 5 cò đất khác với giá gần 2 tỷ đồng.
Cò đất gây hỗn loạn thị trường bất động sản, tạo ra những bất ổn không đáng có trong đời sống dân sinh ở Đà Nẵng, có nguyên nhân sâu xa từ sai lầm và cả sai phạm về quy hoạch đất đai nhiều năm trước. Ngày 1/11, phát biểu sau phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Các vấn đề về đất đai ở Đà Nẵng có trong Kết luận Thanh tra được ban hành từ năm 2012, diễn ra từ nhiều năm trước và của các nhiệm kỳ lãnh đạo TP này trước đây. Phải tìm cách tháo gỡ trên nguyên tắc phù hợp với pháp luật, thực tiễn và khả thi, không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.
Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, hy vọng là cánh cửa để Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác, khắc phục hậu quả của quy hoạch đất đai không phù hợp, dẫn đến những hệ lụy tiêu cực trong đời sống xã hội, dân sinh.
* Chỉ với một vỏ container và bộ bàn ghế là cò đất đã dựng lên sàn giao dịch. “Sàn” còn được lắp đặt bánh xe để dịch chuyển khi cần thiết”. Tại khu dân cư Bá Tùng và khu dân cư Tân Trà (quận Ngũ Hành Sơn), điểm giao dịch bất động sản san sát, khiến bất cứ người nào đến tìm mua đất đều có cảm giác rơi vào “mê hồn trận”, mất đi sự tỉnh táo cần thiết. Phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cũng đang là điểm nóng của sự thao túng, mua đi, bán lại bất động sản. Có người bán căn nhà cấp 4 giá 1 tỷ đồng, 7 ngày sau, căn nhà được sang tay cho ít nhất 5 cò đất khác với giá gần 2 tỷ đồng.