Đây là một trong nội dung đáng chú ý của dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động vừa được Bộ LĐTB&XH đưa ra lấy ý kiến.
Bộ LĐTB&XH cho biết, tương tự như BHXH bắt buộc, dự thảo đề xuất quy định các trường hợp tai nạn lao động được hưởng và không được hưởng chế độ bảo hiểm. Tai nạn lao động được xác định trên cơ sở quy định tại Khoản 8 Điều 3 của Luật An toàn, vệ sinh lao động “là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.
Ngoài ra, dự thảo đề xuất bổ sung thêm quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu 12 tháng mới được hưởng các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Quy định này nhằm góp phần bảo đảm cân đối giữa thu, chi, nhất là khi bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện mới hình thành, chủ yếu là người có nguy cơ cao về tai nạn lao động tham gia.
Cụ thể, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động gồm: Giám định mức suy giảm khả năng lao động; trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; dưỡng sức và phục hồi sức khỏe; hỗ trợ chi phí y tế khi có đủ các điều kiện sau đây: Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; Có thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cộng dồn từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm bị tai nạn…
Tuy nhiên người lao động không được hưởng các chế độ trên nếu tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân sau: Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động; Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; Sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.