Sáng 20/12, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Quỹ Nhi đồng LHQ tổ chức hội thảo “Chia sẻ Báo cáo nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm dịch vụ công tác xã hội trường học” nhằm bảo vệ trẻ em trong các trường học để hỗ trợ, ngăn ngừa, can thiệp và giải quyết các vấn đề đa dạng, phức tạp khác nhau của học sinh.
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, bạo lực học đường là một trong những vấn đề nóng của trường phổ thông hiện nay.
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, năm học 2012-2013, có khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau (khoảng 5 ngày/1 vụ).
Cứ khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau, cứ khoảng 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, trung bình 9 trường thì có học sinh đánh nhau.
Thời gian gần đây, bạo lực học đường có xu hướng gia tăng về số lượng và mức độ trong học sinh. Đa số những nữ sinh từng có hành vi bạo lực cho rằng bạo lực học đường là “bình thường” và “chấp nhận được”.
Bạo lực không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà còn xảy ra giữa giáo viên với học sinh khi thầy cô vẫn được coi là “cha mẹ” với quyền lực lớn, là trung tâm của trường học. Đôi khi có hành vi bạo lực ngược lại từ học sinh đối với thầy cô giáo…
Chính vì thế, trường học không còn là nơi an toàn với nhiều học sinh. Báo cáo của Viện Y - Xã hội và Plan chỉ ra rằng, chỉ có 16% học sinh nữ và 19% học sinh nam cảm thấy luôn an toàn trong trường học.
Những vấn đề của học sinh trong nhà trường đang đặt ra vấn đề phải có những nhân viên công tác xã hội chuyên trách trong các nhà trường để hỗ trợ sinh viên cả về tâm lý, hướng nghiệp, sức khỏe, giới tính, công tác truyền thông, đào tạo phát triển kỹ năng sống, kỹ năng xã hội…
Tuy nhiên, nhận thức về tầm quan trọng của việc cần phải có nhân viên công tác xã hội học đường (CTXHHĐ) trong trường học tại một số nơi vẫn còn hạn chế.
Chia sẻ tại hội thảo, thầy Nguyễn Tuấn Long (ĐH Lao động Xã hội) cho biết: “Khi liên hệ để đưa sinh viên trong trường xuống các trường phổ thông thực tập, hiệu trưởng các trường không chấp nhận. Các nhà trường phổ thông cho rằng CTXHHĐ cho học sinh đã có các giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn hội thực hiện”.
Nhân viên CTXHHĐ không chỉ làm việc trực tiếp tham vấn với cá nhân các em học sinh mà phải tiến hành nhiều biện pháp can thiệp khác nhau, nhằm trợ giúp cho không chỉ học sinh mà còn cho giáo viên và toàn thể nhà trường.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 3 mô hình CTXHHĐ ở Việt Nam. Đầu tiên là mô hình Hướng nghiên cứu can thiệp với mục tiêu xây dựng các mô hình thử nghiệm và hướng nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các mô hình đã được triển khai; Mô hình các trường có đào tạo CTXH, xây dựng thử nghiệm các mô hình CTXH trong trường học để sinh viên, học viên được thực hành với vai trò nhân viên CTXH trong trường học, Mô hình hệ thống văn phòng CTXH thuộc các trung tâm CTXH.
Ngoài ra, còn có mô hình tư vấn trong các bệnh viện, hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân khi đến khám để áp dụng vào mô hình CTXHHĐ.
Để có các mô hình CTXHHĐ hoạt động hiệu quả, các đại biểu đưa ra phương án khảo sát nhu cầu của phụ huynh, học sinh, các nhà trường để có kế hoạch cụ thể.