Hướng tới thành phố thông minh

Minh Thủy 05/07/2023 07:00

Tại buổi họp HĐND TP Hà Nội, ngày 3/7, về việc xây dựng thành phố thông minh, có ý kiến cho rằng thực tế hiện nay còn cách rất xa so với mục tiêu. Chỉ riêng về nạn ùn tắc, úng ngập, xử lý chất thải, môi trường vẫn chưa được xử lý triệt để cũng đã thấy điều đó. Vậy giải quyết vấn đề này thế nào?

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ kỳ họp 12, HĐND TP Hà Nội khóa 16, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái (đại biểu HĐND huyện Mê Linh) cho biết, hiện Hà Nội đang hướng tới thành phố thông minh, tuy nhiên thực tế hiện nay còn cách rất xa so với mục tiêu. “Thành phố thông minh thì không thể nào ùn tắc. Úng ngập, xử lý chất thải, môi trường như thế này thì thông minh làm sao được?” - ông Đoàn nói.

Xây dựng thành phố thông minh đã có lúc sôi nổi như một phong trào. Hồi cuối năm 2017, chính quyền TP Hà Nội cũng đã dự định xây dựng thành phố thông minh, mà đầu tiên là tại huyện Đông Anh, với tổng diện tích 272ha, nằm trên trục Nhật Tân - Nội Bài. Khi đó, lãnh đạo thành phố đã gặp gỡ và làm việc với Chủ tịch của liên danh Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và tập đoàn BRG. Dự kiến quá trình đầu tư xây dựng sẽ chia làm 5 giai đoạn với 5 mô hình liên doanh để phát triển từng giai đoạn với tổng đầu tư lên tới hơn 4 tỷ USD. Giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1 tỷ USD trên diện tích trên 73ha, trong đó đầu tư hạ tầng kết nối dự án một cách đồng bộ.

Thời gian trôi qua, đến nay dự án đáng mơ ước đó vẫn không thành hiện thực.

Thành phố thông minh bao gồm nhiều tiêu chí. Mục tiêu chính của thành phố thông minh là tối ưu hóa các chức năng của thành phố và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân bằng cách sử dụng các công nghệ thông minh và phân tích dữ liệu. Giá trị của nó nằm ở cách các công nghệ này được sử dụng chứ không chỉ đơn giản là có bao nhiêu công nghệ. Một thành phố thông minh được đánh giá qua những yếu tố: Cơ sở hạ tầng dựa trên công nghệ; Sáng kiến môi trường; Hệ thống giao thông công cộng thông minh; Mọi người có thể làm việc và sử dụng các tài nguyên thông minh của thành phố.

Như vậy, với Hà Nội, chỉ riêng yếu tố môi trường đã là một điểm nghẽn “kinh niên”. Ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm vật liệu thải rắn, ô nhiễm chất thải bệnh viện, những bãi rác lưu cữu... vẫn là thách thức. Còn về nạn ngập úng mỗi khi mưa lớn, quá nhiều điểm đen ùn tắc giao thông cũng lại là bài toán chưa có lời giải.

Thành phố thông minh, theo nghĩa đơn giản là thành phố ứng dụng công nghệ hiện đại ở nhiều lĩnh vực để bộ máy chính quyền phục vụ người dân tốt hơn, phát triển thành phố bền vững hơn. Ở lĩnh vực thứ nhất, phục vụ người dân, với những bề bộn hiện ra trước mắt thì Hà Nội vẫn chưa có được. Ra đường thì sợ ùn tắc, mưa xuống lại sợ phải lội nước. Lĩnh vực thứ hai, phát triển thành phố bền vững, lại tồn tại nhiều vấn đề ở các khu đô thị mới, khi mà chủ đầu tư xây nhà vượt quá chiều cao cho phép, nhồi nhét thêm những dãy nhà trong dự án xây dựng nhằm tối đa lợi nhuận. Cũng chính vì thế mà các tuyến đường ở nhiều khu đô thị mới ùn tắc còn hơn cả nội thành. Chưa nói đến chuyện nhà xây để bán mà “quên” chuyện xây trường cho học sinh.

Hà Nội hiện có ý tưởng xây dựng thành phố hai bên sông Hồng. Đó là dự định rất tốt. Tuy nhiên, nó sẽ tốt hơn nếu quy hoạch hợp lý ngay từ đầu và không thay đổi quy hoạch giữa chừng. Cũng nên xác định đây phải là mô hình điểm của thành phố thông minh để từ đó nhân rộng.

Người dân Thủ đô cũng như người dân các đô thị khác đều muốn thành phố của mình trở thành thành phố thông minh. Nhưng muốn thế thì chính quyền các cấp của thành phố và mọi công dân đô thị phải cùng chung tay, phải cùng quyết tâm. Không một phép mầu nào biến một đô thị bụi bặm, ùn tắc, ngập lội bỗng dưng trở nên phong quang sạch đẹp. Điều đó cần thời gian và nhất là cần sự quyết tâm chung, bền bỉ thực hiện.

Khó khăn vẫn ở phía trước, tuy nhiên cũng đã có niềm vui khi mà mới đây trên dữ liệu tìm kiếm chuyến bay, ForwardKeys, công ty dữ liệu du lịch toàn cầu công bố danh sách 100 thành phố được tìm kiếm nhiều nhất thế giới cho du lịch mùa hè năm nay (từ 1/7 đến 31/8): 2 điểm đến Việt Nam là TPHCM và Hà Nội tăng thứ hạng so với năm ngoái. Cụ thể, TPHCM tăng 30 bậc lên vị trí 52 và Hà Nội tăng 41 bậc lên vị trí 76/100 thành phố được tìm kiếm nhiều nhất thế giới trong mùa hè này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng tới thành phố thông minh