Văn hóa

Kể chuyện Điện Biên trên sân khấu

Cao Ngọc 19/04/2024 12:09

Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn là niềm tự hào, là trang sử ghi dấu ấn trong lòng con dân đất Việt. Điều đó phần nào được thể hiện qua sân khấu với nhiều tác phẩm.

anhbaitren.jpg
Cảnh trong vở diễn “Điện Biên vẫy gọi” - Nhà hát kịch Quân đội. Ảnh: TTXVN.

Nguồn cảm hứng sáng tác

Người yêu sân khấu còn nhớ Bài ca Điện Biên (tác giả Tất Đạt; đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) rất hoành tráng với hơn 300 diễn viên tập hợp từ nhiều đơn vị, mà chủ chốt là Nhà hát kịch Việt Nam vào năm 1984. Rồi các vở kịch nói như “Thông điệp từ Điện Biên năm 2004” (tác giả Nguyễn Khắc Phục; tổng đạo diễn NSƯT Lê Hùng; cố vấn nghệ thuật NSND Đình Quang; Nhà hát kịch nói Quân đội); Nhiệm vụ hoàn thành năm 2014 (tác giả Xuân Đức; đạo diễn NSND Lê Hùng; Nhà hát kịch nói Quân đội)…

Năm nay, Nhà hát kịch Quân đội vừa hoàn thành vở diễn “Điện Biên vẫy gọi”, PGS.TS Tất Thắng chuyển thể từ bút ký về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng và Nhà hát kịch nói Quân đội đặt hàng đạo diễn, NSND Lê Hùng dàn dựng. Vở diễn lấy một lát cắt từ chân dung của nữ dân công, nữ cứu thương tên Nguyễn Thị Phong Lan. Bối cảnh đầu vở kịch mở ra không gian của làng tề (làng bị quân Pháp và kiểm soát trước năm 1954), khi có các đoàn bộ đội và dân công hướng lên Điện Biên đi qua đã được người dân và đặc biệt là các thanh niên như Vĩnh, Long và Lan giúp đỡ, dẫn đường tránh sự truy đuổi của địch. Trốn khỏi làng tề, Long đi theo cách mạng, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cùng lời hẹn ước với Lan sẽ gặp và cưới nhau trên mảnh đất Điện Biên sau ngày thắng trận. Lan sau khi thu vén công việc gia đình của cả nhà mình và nhà Long cũng đã băng rừng, vượt núi, qua sông để hòa vào những đoàn dân công tiến lên Điện Biên…

NSƯT Lê Thị Mai Phương - Giám đốc Nhà hát kịch nói Quân đội cho biết, đây là công trình nghệ thuật trọng điểm trong năm của nhà hát chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của đất nước nói chung, quân đội nói riêng. Với tác phẩm “Điện Biên vẫy gọi”, nhà hát đã huy động gần như toàn bộ nghệ sĩ, diễn viên. Mỗi người đều nỗ lực phát huy sáng tạo để hoàn thành tốt vai diễn của mình. Tuy thời lượng của mỗi nhân vật xuất hiện không nhiều, song không ít nhân vật đã để lại dấu ấn. Sau khi ra mắt công diễn tại Hà Nội, nhà hát sẽ lên kế hoạch đưa vở “Điện Biên vẫy gọi” đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân ở các đơn vị, địa phương.

Nỗ lực của sân khấu xã hội hóa

Bên cạnh một đơn vị nghệ thuật quân đội luôn lấy tiêu chí dàn dựng các vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng thì sự lựa chọn dựng kịch bản mang đậm tính tuyên truyền, có giá trị về mặt lịch sử… là một sự táo bạo, đầy quyết tâm và xuất phát từ trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ của lãnh đạo đơn vị sân khấu xã hội hóa. Trong đó có Sân khấu Lệ Ngọc đã dũng cảm và rất “chịu chơi” khi khởi công vở “Mệnh lệnh từ trái tim”.

Được lựa chọn từ rất nhiều những kịch bản, vở diễn không đi vào mô tả, kể lại chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mà đi sâu vào chi tiết phía sau quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Để có được quyết định khó khăn này, quyết định khiến những cố gắng từ rất nhiều sức người, mồ hôi thậm chí là máu của chiến sĩ trước đó khi quyết tâm kéo pháo lên đồi, nay lại phải kéo ra. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải trải qua 11 ngày đêm “mất ăn, mất ngủ” và một đêm thức trắng để rồi đưa ra một quyết định lịch sử.

NSƯT Văn Hải - Giám đốc sản xuất và Chỉ đạo nghệ thuật của vở diễn chia sẻ, ông đã từng tham gia một vai diễn trong vở kịch đề tài về chiến dịch Điện Biên Phủ. Vì muốn tạo ra sự mới mẻ, gây được dấu ấn, trong khi sân khấu cũng đã có nhiều vở làm về sự kiện này nên đã bàn bạc rất kỹ trên cơ sở kịch bản ban đầu, điều chỉnh, bổ sung các lớp lang, bổ sung nhân vật và cho thêm vào vở “sự đối kháng”.

Cũng theo ông Hải, một trong những khó khăn mà sân khấu xã hội hóa như Sân khấu Lệ Ngọc phải đối diện và vượt qua đó là đội ngũ diễn viên. Diễn viên thuê ngoài nên tứ bề khó khăn. Vì thế đến thời điểm khởi công vở kịch vẫn chưa chốt được diễn viên đóng vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, cũng đã có vài phương án để chọn lựa.

Những vở diễn về đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là mục tiêu hướng tới của nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu ngày nay và tương lai bởi sự kiện mang tính lịch sử lớn lao, còn rất nhiều góc nhìn, khía cạnh đang khơi gợi tinh thần sáng tạo của người nghệ sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kể chuyện Điện Biên trên sân khấu