Quốc tế

Kenya với nguồn địa nhiệt khổng lồ

Hà Anh 05/02/2024 07:21

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 đã mở đường cho Kenya tận dụng nguồn tài nguyên địa nhiệt khổng lồ bên dưới Thung lũng tách giãn Lớn.

anhbaitren(2).jpg
Một nhà máy điện tại khu phức hợp địa nhiệt Olkaria ở Thung lũng tách giãn Lớn (Kenya). Ảnh: Bloomberg.

Đoạn Thung lũng tách giãn Lớn đi qua Kenya là một đồng bằng rộng lớn giữa hai vách đá, có rất nhiều động vật hoang dã, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới và là một mắt xích quan trọng trong ngành du lịch đang phát triển mạnh của Kenya. Nhưng những gì nằm bên dưới đáy thung lũng đã gây ra tác động địa chấn theo đúng nghĩa đen đối với Kenya trong những năm gần đây. Đó là nguồn tài nguyên địa nhiệt khổng lồ, đưa quốc gia này trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng sạch.

Ông Peketsa Mangi - Tổng Giám đốc phụ trách phát triển địa nhiệt tại KenGen, công ty sản xuất năng lượng của Kenya cho biết: “Chúng tôi thật may mắn khi vết nứt châu Phi chạy qua Kenya. Chúng tôi tình cờ đến đúng nơi có nhiều trung tâm núi lửa. Olkaria là một trong những trung tâm này”.

Theo Hiệp hội Địa chất Kenya, khoảng 25 triệu năm trước, các mảng kiến tạo Somalian và Nubian đã dịch chuyển theo hướng ngược nhau khiến bề mặt giữa hai đường đứt gãy chìm xuống và đưa chất lỏng magma đến gần bề mặt Trái đất hơn, tạo ra vết nứt nổi tiếng, một thung lũng rộng lớn trải dài 6.400km từ Jordan đến Mozambique. Dưới thung lũng, nước dễ dàng thấm qua và tiếp xúc với những tảng đá nóng nằm cách bề mặt 1 - 3km, tạo ra hỗn hợp nước siêu nóng và hơi nước lần lượt ở mức 75% và 25%, với nhiệt độ trung bình 300 độ C và áp suất 1.000 PSI. Đây là những điều kiện hoàn hảo để tạo ra năng lượng địa nhiệt.

“Đây là hơi nước mà chúng tôi đang khai thác để chạy tua-bin tạo ra điện. Ở đó rất gồ ghề và đó là nơi chúng tôi sẽ đến. Một nhiệm vụ nguy hiểm nhưng cần thiết” - ông Mangi nói.

Ông Mangi đã quan sát hoạt động của thung lũng trong 27 năm và biết chính xác nơi nào có thể khoan giếng để sản xuất năng lượng địa nhiệt. Theo ông Mangi, Kenya đã phát triển năng lực nghiên cứu địa khoa học chính xác giúp xác định các khu vực tiềm năng để khoan. Thăm dò và khoan là những nỗ lực tiêu tốn nhiều chi phí và các nhà đầu tư không muốn đi đến một vùng đất xanh mà không có nguồn tài nguyên khả thi.

Năng lượng địa nhiệt bắt đầu xuất hiện ở khu định cư nhỏ Larderello, Italy vào năm 1904. Nhà máy nhỏ này chỉ cung cấp 10kW điện năng, vừa đủ để cung cấp năng lượng cho 5 bóng đèn. Kể từ đó, một số quốc gia đã đào sâu để khai thác các nguồn tài nguyên tương tự. Mỹ, Indonesia, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và New Zealand là 5 nước sản xuất năng lượng địa nhiệt hàng đầu thế giới.

Ở Kenya, việc tìm kiếm năng lượng dưới lòng đất đã bắt đầu từ gần 70 năm trước nhưng gần như bị đình trệ ngay lập tức. Năm 1956, chính phủ Kenya đã khoan hai giếng đặc biệt để khai thác năng lượng địa nhiệt, ở độ sâu lần lượt là 950m và 1.200m. “Với nhiệt độ trung bình là 235 độ C nhưng các giếng không thể xả nước do khả năng thấm kém vì khu vực xung quanh hơi rắn chắc” - ông Mangi cho biết.

Sau đó, cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu những năm 1970 xảy ra và một lần nữa Kenya lại phải tìm kiếm câu trả lời. Các tổ chức toàn cầu bao gồm Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản đã tham gia hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho việc thăm dò sâu hơn. Năm 1971, một giếng được khoan và xả nước. Từ năm 1981 đến năm 1985, Kenya có công suất lắp đặt là 45MW thông qua 3 nhà máy điện đầu tiên ở Olkaria.

Ông Mangi bày tỏ: “Chúng tôi không biết đất nước sẽ ra sao nếu cuộc khủng hoảng dầu mỏ không đẩy nhanh quá trình này. Địa nhiệt luôn sẵn sàng 24/7 trong 365 ngày. Nó không bị ảnh hưởng bởi biến động khí hậu vì chúng tôi đang sử dụng nước tích tụ sâu trong lòng đất qua nhiều thiên niên kỷ. Giải pháp thay thế cho việc lắp đặt máy phát điện diesel gây ô nhiễm môi trường. Đây là sự đóng góp của chúng tôi cho một thế giới sạch hơn”.

Ở thời điểm này, tại Olkaria - cách Thủ đô Nairobi của Kenya 90km có gần 300 giếng địa nhiệt cung cấp hơi nước chạy tua-bin trong 5 nhà máy điện địa nhiệt do KenGen vận hành. Các nhà máy điện và 15 đầu giếng có tổng công suất 799MW. Với nguồn năng lượng địa nhiệt bổ sung được tạo ra bởi các nhà sản xuất điện độc lập, tổng công suất điện địa nhiệt của Kenya là 988,7MW, đưa quốc gia này lên vị trí thứ 6 trên toàn cầu (và đứng đầu ở châu Phi) về phát triển năng lượng địa nhiệt.

Kết quả là Kenya sử dụng tới 91% điện năng từ năng lượng tái tạo: 47% địa nhiệt, 30% thủy điện, 12% gió và 2% năng lượng mặt trời. Đất nước này hy vọng sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo vào năm 2030. Công ty KenGen cho biết, Kenya có tiềm năng tăng công suất lên tới 10.000MW năng lượng địa nhiệt và con số đó sẽ vượt quá nhu cầu cao nhất ở Kenya, hiện ở mức khoảng 2.000MW. Mức tiêu thụ cao điểm ở Anh là khoảng 61.000MW.

Gastone Odhiambo - nhân viên an toàn tại các nhà máy điện cho biết: “Năng lượng địa nhiệt sạch và không gây hại cho động vật hoang dã vì chúng đã thích nghi với hệ thống này. Những đường ống này cung cấp hơi nước đến các tuabin ở nhiệt độ 180 độ C để tạo ra dòng điện 11KV, sau đó được tăng lên 220KV để truyền đi quãng đường dài. Cần phải có đầu óc tỉnh táo vì một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến đất nước phải dừng hoạt động”.

Tổng thống Kenya William Ruto hiện đang phát động một chiến dịch ở châu Phi nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch ở lục địa này. Vào tháng 9 năm ngoái, một tuyên bố đã được ký kết, kêu gọi cải cách tài chính quốc tế và chỉ trích khu vực phía Bắc toàn cầu vì hệ thống tài chính toàn cầu bị lệch lạc, khiến châu Phi gặp khó khăn trong việc khai thác nguồn năng lượng tái tạo khổng lồ của mình.
Tuyên bố nêu rõ: “Mặc dù châu Phi chiếm khoảng 40% nguồn năng lượng tái tạo của thế giới, nhưng chỉ có 60 tỷ USD hoặc 2% trong số 3.000 tỷ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo trong thập kỷ qua hướng đến châu Phi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kenya với nguồn địa nhiệt khổng lồ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO