Xã hội

Kết nối cung - cầu thị trường lao động

Lê Bảo 13/05/2024 09:25

Nhằm kết nối cung - cầu lao động, thời gian gần đây Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội liên tiếp tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Kết quả cho thấy, số lượng tuyển lao động khá dồi dào với nhiều lĩnh vực.

anhbaitren(1).jpg
Người lao động tìm việc tại phiên giao dịch việc làm quận Hoàn Kiếm. Ảnh Lan Hương.

Đa dạng nhu cầu tuyển dụng

Phiên giao dịch việc làm tại huyện Đông Anh ngày 12/5 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng khá đa dạng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Cụ thể theo Ban tổ chức, phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 50 đơn vị, doanh nghiệp (DN) tuy nhiên nhu cầu, vị trí cần tuyển dụng lên tới hơn 3.000 chỉ tiêu. Mức lương mà các nhà tuyển dụng đưa ra cũng khá hấp dẫn, trong đó mức thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng trở lên chiếm tới 487 chỉ tiêu, mức lương từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng chiếm tới 716 chỉ tiêu, mức lương thấp nhất mà nhà tuyển dụng đưa ra ở mức 5 triệu đồng/tháng.

Một điểm đáng chú ý, nhu cầu tuyển dụng lao động nam giới và lao động nữ giới không có sự chênh lệch nhiều (chỉ tiêu tuyển dụng nam giới cao hơn nữ giới 3,7%). Điều này cho thấy mặc dù các công ty thiếu hụt nhân công nhưng tiêu chí tuyển dụng vẫn đề cao yếu tố năng lực và sự cống hiến lâu dài trong quá trình làm việc.

Trước đó, ngày 11/5 tại quận Hoàn Kiếm cũng diễn ra phiên giao dịch việc làm lưu động. Với 1.300 chỉ tiêu tuyển dụng phiên giao dịch không chỉ là cầu nối gắn kết cung – cầu giữa người lao động và DN mà còn gắn kết người lao động với các trường đào tạo nghề. Theo đó, với những lao động trẻ, lao động thất nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội học nghề phù hợp để chuyển đổi nghề.

Ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, Trong tổng số 25 DN tham gia, có 18 DN thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ, chiếm 72%. Ngoài ra còn các DN hoạt động trong lĩnh vực khác như: Du học – xuất khẩu lao động, giáo dục – đào tạo,...

Đánh giá về việc triển khai phiên giao dịch việc làm lưu động, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Nhu cầu tìm việc làm của người lao động khá lớn chính vì vậy, việc tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động có ý nghĩa rất lớn. “Sự đa dạng lĩnh vực ngành nghề của các DN đăng ký tham gia hoàn toàn phù hợp với nhu cầu tìm việc của người lao động địa phương, tạo điều kiện cho người lao động chưa tìm kiếm được việc làm tại quận Hoàn Kiếm lựa chọn được công việc thích hợp với khả năng, có thể gắn bó lâu dài, ổn định đời sống ngay tại địa phương” - ông Hoàn khẳng định.

“Hot” việc làm cho lao động phổ thông

Kết quả khảo sát cho thấy, mặc dù chỉ tiêu tuyển dụng nghiêng về lao động có trình độ cao đẳng, đại học (chiếm 44%); công nhân kỹ thuật là hơn 34%; lao động không có trình độ là hơn 21% nhưng việc làm cho lao động phổ thông lại "hot" hơn bao giờ hết. Lý giải về hiện tượng này, một chuyên gia lao động cho rằng: Lao động có trình độ có nhiều cơ hội để tìm kiếm một việc làm tốt hơn. Hơn nữa, nhóm này cũng dễ dàng tiếp cận với các thông tin tuyển dụng qua mạng xã hội, ứng tuyển online và qua nhiều kênh khác chứ không phải chỉ qua kênh trực tiếp. Trong khi đó, lao động tự do thường hạn chế bởi kiến thức và công nghệ, vì vậy họ ít khi tiếp cận được với các thông tin tuyển dụng online và phải thông qua các phiên giao dịch việc làm trực tiếp. Kết quả này phản ánh thực tế xu hướng lao động tự do tìm việc làm có kí kết hợp đồng lao động đóng bảo hiểm xã hội ngày càng gia tăng. Thay vì làm lao động tự do giờ đây người lao động có nhu cầu tìm kiếm làm việc ở khu vực chính thức.

Biết đến phiên giao dịch việc làm lưu động quận Hoàn Kiếm qua Fanpage của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, chị Hà Thị Thanh Tuyền (20 tuổi, ở Văn Chấn, Yên Bái) đã tìm được việc và ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Toàn Thắng. Chị Tuyền cho biết: “Công ty sẽ hướng dẫn, đào tạo nghề trong tháng đầu và trả mức lương 7 triệu đến 7,5 triệu đồng/tháng tuỳ theo mức độ hoàn thành công việc”.

Tương tự, bà Đặng Thị Dung (50 tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng là một trong số những lao động phổ thông tới phiên tìm kiếm việc làm. Theo bà Dung, sau nhiều năm bôn ba làm lao động tự do, thử qua hàng chục công việc, từ bảo vệ; bán hàng rong; trông xe... bà đến với phiên giao dịch việc làm với mong muốn tìm kiếm được công việc ổn định hơn, ví dụ như làm tạp vụ hoặc thu ngân ở một nhà hàng, khách sạn nào đó.

Theo ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội, 4 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 73.298 lao động, đạt 44,4% kế hoạch, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Để đảm bảo thị trường lao động ổn định, bền vững, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động và giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Cũng theo ông Nam, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hàng ngày đều có các phiên giao dịch việc làm và mỗi năm Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức từ 250 – 260 phiên, trong đó các phiên đều phỏng vấn online tới 14 địa điểm trên địa bàn thành phố, một số phiên còn kết nối, phỏng vấn online đến một số tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng Sông Hồng. Ngoài ra, tại các quận, huyện, thị xã khác trên trong thành phố còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động. Theo kế hoạch, năm nay, thành phố sẽ tổ chức 19 phiên lưu động tại các quận, huyện, thị xã.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kết nối cung - cầu thị trường lao động