Mỗi làng nghề ở Hà Nội đều mang bản sắc riêng, sản phẩm độc đáo, có sức cạnh tranh. Tuy nhiên, làng nghề của Hà Nội vẫn cần các chính sách hỗ trợ để sản phẩm tiếp cận thị trường.
Phát triển gắn với bảo tồn
Hiện Thủ đô Hà Nội còn 806 làng nghề, trong đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống, 493 làng có nghề và phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã. Theo đó có 6 nhóm nghề đang hoạt động gồm, chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến, nguyên vật liệu; các dịch vụ phục vụ sản xuất nông thôn. Các làng nghề tạo việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập ổn định. Tổng doanh thu của các làng nghề khoảng 22 – 25.000 tỷ đồng/năm.
Nhận thấy sự phát triển của các làng nghề đã và đang mang lại những giá trị rất lớn trên khía cạnh kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 9 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, với nội dung khẳng định ưu tiên phát triển nghề, làng nghề đến 2025, tầm nhìn đến 2030. Đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô. Mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang bản sắc riêng, với những sản phẩm độc đáo, phong cách văn hóa địa phương có sức cạnh tranh cao trong thị trường trong nước và quốc tế.
Có thể kể đến Làng nghề làm khảm trai ở xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là một trong 15 làng nghề, làng nghề truyền thống vừa được UBND TP Hà Nội công nhận là “Làng nghề, làng nghề truyền thống”. Được biết, trải qua hơn 1.000 năm tuổi với những giai đoạn thăng trầm, nghề truyền thống khảm trai ở Chuyên Mỹ vẫn đang được người dân gìn giữ, phát huy. Sản phẩm của làng đã vượt khỏi ranh giới quốc gia, vươn tầm ra châu lục và thế giới... Việc được công nhận là làng nghề truyền thống có ý nghĩa rất lớn giúp làng nghề khảm trai tại Chuyên Mỹ phát triển song hành với lưu giữ giá trị truyền thống của làng nghề nghìn năm tuổi.
Xây dựng các cơ chế hỗ trợ
Sự phát triển của các làng nghề đã và đang mang lại những giá trị rất lớn về kinh tế - xã hội. Dù vậy, khó khăn chưa phải đã hết, đặc biệt là đối với việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề. Nghệ nhân Vũ Văn Ca (ngụ xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) chia sẻ, dù có tới 7 thôn, làng có nghề, nhưng hiện nay địa phương vẫn chưa có điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn để quảng bá sản phẩm đến du khách thập phương. Các tour tuyến đưa khách đến tham quan, mua sắm tại làng nghề cũng rất hạn chế.
Đề cập về vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, những năm qua, thành phố đã dành nhiều chương trình cho khu vực kinh tế này phát triển. Riêng chương trình khuyến công, trong hơn 10 năm qua, thành phố đã tổ chức gần 1.000 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho hơn 38.000 lao động nông thôn với các nghề như may mặc, cơ khí, mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ... Kết thúc các khóa truyền nghề, hơn 80% số lao động đã có việc làm. Hàng trăm lượt doanh nghiệp (DN), cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất bằng nguồn kinh phí khuyến công.
Đặc biệt, để hỗ trợ các làng nghề tìm kiếm thị trường, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ có hiệu quả cho các DN, cơ sở sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc tổ chức hoặc hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề còn chưa tương xứng với khoảng 1.350 làng nghề, làng có nghề tiềm năng kinh tế của khu vực này còn rất lớn.
Theo ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, để thúc đẩy phát triển làng nghề, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch, trong đó đề ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm. Ưu tiên số 1 là xây dựng và thực hiện chính sách; tiếp đến là áp dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại. Để bảo tồn và phát triển các làng nghề, ông Đại cũng kiến nghị UBND cấp huyện chỉ đạo đơn vị chuyên môn và UBND cấp xã tiếp tục rà soát, hướng dẫn, giúp đỡ các làng nghề, chủ thể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, bố trí kinh phí hỗ trợ các làng nghề hoàn thiện phương án bảo vệ môi trường theo quy định.