Xuất khẩu nông sản những tháng đầu năm nhiều mặt hàng chủ lực sụt giảm đáng kể cả về giá trị kim ngạch và sản lượng. Đáng chú ý, Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, song những tháng đầu năm 2019 đã sụt giảm khá mạnh, nhất là các nhóm hàng thuộc top đầu như rau quả, gạo… Tuy nhiên, theo ý kiến giới chuyên gia thì đây cũng chính là lúc để “nhìn lại mình” khi chấp nhận “cuộc chơi lớn”.
Chất lượng vẫn là giải pháp hàng đầu cho nông sản xuất khẩu. Ảnh: TL.
Nhiều mặt hàng chủ lực sụt giảm
Theo Tổng cục Hải quan, nông sản xuất khẩu của Việt Nam bao gồm 8 nhóm hàng chính thì riêng thị trường Trung Quốc nhập khẩu đến 7 mặt hàng: Rau quả, cà phê, hạt điều, chè, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su và sản phẩm cao su. Bức tranh xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, tổng kim ngạch 7 nhóm hàng trên thu về 2,85 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu 6 nhóm hàng nông sản chủ lực xuất sang Trung Quốc đạt 3,233 tỷ USD. Như vậy, nhìn vào con số, có thể thấy trong vòng 1 năm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này bị sụt giảm hơn 380 triệu USD, tương đương giảm gần 12%.
Đáng chú ý, nhóm hàng sụt giảm mạnh là gạo, rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn. Trong đó gạo bị sụt giảm mạnh nhất. Theo Bộ Công thương, ngoại trừ thị trường Philippines, các thị trường lớn, truyền thống nhập khẩu gạo như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm. Số liệu thống kê cho hay, đến hết tháng 6/2019, lượng gạo xuất sang Trung Quốc chỉ đạt 288.717 tấn, tổng kim ngạch gần 145,3 triệu USD. Sau gạo, sắn là mặt hàng nằm trong nhóm sụt giảm khá nặng, đặc biệt vẫn là thị trường Trung Quốc, do đây là ngành hàng được Trung Quốc ưa chuộng và nhập nhiều hàng năm, tuy nhiên 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này sang nước láng giềng đã sụt giảm rõ nét. Theo đó, giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân tháng 6/2019 của Việt Nam đạt 386,3 USD/tấn, giảm 2,91% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn giảm nhẹ, đạt 425 USD/tấn, giảm 1,7% so với tháng trước nhưng giảm 15,2% so với cùng kì năm 2018. Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 6/2019 ước đạt 131 nghìn tấn với giá trị đạt 51 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,2 triệu tấn và 460 triệu USD, giảm 19% về khối lượng và giảm 15,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Những dữ liệu nói trên cho thấy, một số sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực đã giảm đáng kể cả về sản lượng và giá trong vòng 6 tháng qua.
Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, là do các nước nhập khẩu đưa ra nhiều quy định thắt chặt. Đặc biệt, việc Trung Quốc siết nhập tiểu ngạch cũng như đưa ra các quy chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta 6 tháng qua.
Trả lời báo chí tại cuộc họp liên quan đến xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho hay, trong những năm gần đây, nhiều nước tiêu dùng, nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo như: Thực hiện thuế hóa nhiều mặt hàng gạo; thay đổi phương thức nhập khẩu gạo cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu G2P để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh và chất lượng cao hơn; các nước nhập khẩu cũng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực…
Hàng loạt những thay đổi tại các thị trường nhập khẩu trong đó có thị trường nhập nhiều nhất sản phẩm nông sản của nước ta là Trung Quốc, chính là nguyên nhân gây nên sự sụt giảm đáng kể kim ngạch xuất khẩu nông sản thời gian qua.
Xuất khẩu rau có dấu hiệu chững lại.
Cơ hội trong khó khăn
Liên quan đến sự sụt giảm kim ngạch nông sản xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng, một thị trường nhập khẩu rất lớn mặt hàng nông sản của nước ta như Trung Quốc khi có những biện pháp thắt chặt nhập khẩu tất yếu dẫn đến sự sụt giảm. “Có thể trong ngắn hạn gây ra những bất lợi cho kim ngạch xuất khẩu của chúng ta, nhưng về dài hạn, đây lại là điểm tích cực”- ông Thành đánh giá và nhấn mạnh: Những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe mà phía thị trường nhập khẩu đưa ra chính là yếu tố để thúc đẩy chúng ta phải cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh. “Đó là “cuộc chơi lớn” mà chúng ta phải chấp nhận trong xu thế hội nhập và chỉ khi đáp ứng được các yêu cầu khắt khe đó, các DN mới có thể vươn ra thế giới một cách bền vững, bất chấp mọi thị trường”- ông Thành nêu quan điểm.
Và trên thực tế, dường như những động thái từ phía các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc đưa ra đã khiến các doanh nghiệp trong nước chủ động “nhìn lại mình”. Thay vì chỉ chú trọng vào sản lượng xuất khẩu như trước đây, các DN đã nỗ lực nâng cấp hệ thống quản lý và đầu tư vào giá trị sản phẩm, chủ động hơn trong việc mở rộng liên kết với nông dân, đầu tư cho dây chuyền sản xuất, hướng tới xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến, các sản phẩm nông sản sạch, an toàn... Đây chính là điều mà ngành nông nghiệp đang cần nhất hiện nay, đặc biệt trong cuộc chơi toàn cầu mà chúng ta đang nhập cuộc.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng đã nhiều lần nhấn mạnh khi nói về giải pháp để ngành nông sản phát triển bền vững, đó là: “Chất lượng vẫn là giải pháp hàng đầu cho nông sản xuất khẩu hiện nay của Việt Nam”.