Đã có nhiều doanh nghiệp phá sản chỉ vì “một lần bất tín”. Câu chuyện của “Con Cưng” đang làm nóng dư luận xã hội trong những ngày qua. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra ở đây là: Cơ quan chức năng làm gì, ở đâu để cả một hệ thống siêu thị với quy mô lớn vi phạm một thời gian dài như vậy mà không bị phát giác?
Nhãn hàng Khai Silk từng bị phát hiện gian lận thương mại.
Nhiều vụ việc đến khó ngờ
Nhiều người hẳn chưa thể quên sự việc của Công ty khóa Minh Khai hồi năm 2008. Khi đó, Công ty này đã làm giả sản phẩm của chính công ty mình bằng cách đánh tráo nhãn mác. Hành vi mà Công ty khóa Minh Khai thực hiện là nhập khẩu khóa Trung Quốc về, bóc logo, gắn logo Minh Khai và bán ra thị trường. Vào thời điểm đó, Công an Hà Nội đã khởi tố Công ty khoá Minh Khai với tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Thương hiệu “khoá Minh Khai” nhanh chóng sụp đổ. Đã một thời, thương hiệu khóa Minh Khai được người tiêu dùng biết đến với sự tin tưởng về chất lượng, yên tâm về giá cả. Nhưng hành vi gian dối của Minh Khai đã dập tắt mọi niềm tin nơi người tiêu dùng. Một thương hiệu được xây dưng nhiều năm đã hoàn toàn sụp đổ. Minh Khai biến mất khỏi thị trường từ thời điểm đấy.
Năm 2017, Khải Silk, một thương hiệu khăn lụa được người tiêu dùng rất ưa chuộng cũng đã tự đánh mất mình khi bị phát hiện có hành vi đánh tráo tem mác “made in China” bằng tem mác nhãn hiệu “Khaisilk made in Vietnam”.
Tất cả những thương hiệu, dù đã được doanh nghiệp dồn cả tâm sức, tiền bạc và thời gian xây dựng bao nhiêu, chỉ cần một hành vi gian lận, lừa dối người tiêu dùng sẽ dễ dàng bị đào thải khỏi thương trường một cách nhanh nhất. Mới đây hệ thống siêu thị Con Cưng - một trong những thương hiệu được số đông người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh ưa chuộng đã bị phát giác về hành vi tráo đổi nhãn mác. Theo cơ quan chức năng khi vào cuộc kiểm tra hệ thống siêu thị này hôm 22/7 vừa qua, đã phát hiện nhiều sản phẩm của Con Cưng được gắn mác trên móc treo thay vì gắn trực tiếp vào sản phẩm. Ngoài ra, một số sản phẩm kem chống rạn cho bà bầu, có tem nhãn tên công ty sản xuất này dán đè lên tên công ty sản xuất khác in phía trong.
Bộ Công thương ngay lập tức đã thành lập Tổ công tác để thực hiện tổng kiểm tra hệ thống Concung.com trên cả nước. Theo Bộ Công thương, bước đầu là kiểm tra làm rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại… Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về sai phạm của “Con Cưng”. Ông Trần Hùng- Cục phó Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng Tổ công tác 334 cho biết, Tổ công tác 334 đang phối hợp với QLTT TP Hồ Chí Minh vào cuộc kiểm tra. Theo ông Hùng, hiện vẫn đang trong giai đoạn thanh kiểm tra nên chưa thể có kết luận về hành vi của Con Cưng là có sai phạm hay không. “Chúng tôi vẫn đang trong thời gian xác minh và yêu cầu Con Cưng cung cấp đầy đủ hóa đơn chứng từ để đối chiếu, sau đó mới có thể kết luận được”- ông Hùng cho biết.
Như vậy, cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình điều tra, song, trên thực tế, theo khẳng định của cơ quan quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, trong quá trình điều tra đã phát hiện có những dấu hiệu của sự vi phạm trong hoạt động kinh doanh như: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa chưa được phép lưu hành… Điều này cho thấy, rõ ràng Con Cưng đã có những hành vi lừa dối người tiêu dùng.
Vai trò cơ quan quản lý
Thật giả, trắng đen như thế nào sẽ có cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là: Trong cả hai sự vụ về vấn nạn hàng giả rất lớn được phát giác mới đây, đó là Khải Silk và Con Cưng, chính người tiêu dùng, các phương tiện truyền thông mới là những người phát hiện và phanh phui sự việc, không thấy bóng dáng của cơ quan chức năng.
Khá bức xúc về câu chuyện của Con Cưng, TS Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi: Cơ quan Quản lý thị trường đứng ở đâu, có vai trò gì? Theo ông Doanh, đây tiếp tục là một hành vi sai phạm khá nghiêm trọng trong kinh doanh, gây mất niềm tin rất lớn đối với xã hội. “Vấn đề là tại sao một hệ thống siêu thị hoạt động trên quy mô lớn như vậy, mà cơ quan quản lý không hề nắm bắt được, phải đến khi người tiêu dùng tố cáo thì mới vào cuộc kiểm tra? Hệ lụy gây ra thì người bị thiệt hại có được đền bù gì không? Tất cả các câu hỏi đó đều phải được đặt ra và phải có câu trả lời một cách xác đáng, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu rộng hiện nay”- TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh. Theo TS Doanh, vụ việc này cũng giống như vụ việc Khải Silk. Chúng ta cần phải xem lại vai trò của QLTT, của những người có trách nhiệm trong việc kiểm soát vấn nạn hàng giả hàng nhái, không thể cứ để những DN tương tự Khải Silk, Con Cưng vẫn nhởn nhơ trên thị trường để tiếp tục lừa dối người tiêu dùng.