Khó bảo tồn di sản kiến trúc đô thị

Vũ Trần 14/11/2016 11:00

Tổ chức UNESCO mới đây đã công bố báo cáo toàn cầu về văn hoá trong phát triển đô thị bền vững. Việt Nam có hai đại diện được lựa chọn khảo sát là phố cổ Hà Nội và Hội An (Quảng Nam). Khẳng định những giá trị độc đáo của di sản, báo cáo cũng chỉ ra nhiều thách thức trong việc bảo tồn các di sản này. Đây cũng là vấn đề được đặt ra từ lâu đối với các di sản kiến trúc đô thị của Việt Nam song kết quả của công tác bảo tồn này vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Phố cổ Hội An, Quảng Nam.

Thiếu dự báo quy hoạch

Những di sản kiến trúc đô thị được nhắc đến trong báo cáo có phố cổ Hội An ở Quảng Nam và phố cổ Hà Nội. Đây là những di sản có tính đại diện cho quần thể kiến trúc đô thị mang đậm giá trị kiến trúc, văn hóa còn lại đến ngày nay của Việt Nam.

Ở Hà Nội, đó là phố cổ Hà Nội với những công trình mang đậm kiến trúc Pháp, dấu ấn một thời của nền văn hóa Pháp. Hay phổ cổ Hội An với những kiến trúc nhà được xây dựng theo kiểu Nhật.

Ở đây, giá trị của những di sản không chỉ đơn thuần từng ngôi nhà riêng rẽ, một quần thể kiến trúc hay riêng một đường phố mà là một cơ cấu mặt bằng gồm nhiều đường phố hợp lại với các loại kiến trúc mang những chức năng khác nhau.

Theo PGS.TS Phạm Đình Việt - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị, báo cáo của UNESCO được xem như một cái nhìn tương đối đầy đủ về vai trò của văn hoá trong việc phát triển bền vững đô thị hiện nay khi đồng thời chỉ ra những thách thức mà các di sản đô thị phải đối mặt.

Nói riêng đối với 2 di sản của Việt Nam được lựa chọn khảo sát, những thách thức có thể kể đến như: Nhiều công trình cổ bị phá bỏ, vi phạm trong trùng tu; việc biến các di sản thành một tài nguyên du lịch còn hạn chế, khai thác chưa hiệu quả… Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa ồ ạt, tình trạng ngập úng, ô nhiễm đang bủa vây các kiến trúc, các di sản đô thị...

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân khiến di sản kiến trúc đô thị nói riêng và phát triển đô thị bền vững nói chung phải chịu tác động tiêu cực. Nhưng xét cho đến cùng, mấu chốt là ở tư duy, tầm nhìn của người quản lý, điều này được hiện rõ trên công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng.

Vẫn bảo tồn đơn lẻ

Với Hà Nội, giá trị của kiến trúc Pháp đã được khẳng định qua thời gian. Tuy nhiên, đứng trước sự biến đổi về văn hóa, xã hội và kinh tế, quỹ di sản đô thị này đang dần bị mai một. Cho đến nay, mới chỉ có một số dự án bảo tồn các công trình đơn lẻ được thực hiện, còn những dự án mang quy mô của bảo tồn đô thị như bao tồn tuyến phố, ô phố còn hết sức hạn chế.

Hướng bảo tồn được xem là bền vững, khi nó không tạo rào cản cho sự phát triển kinh tế mà còn giúp kinh tế phát triển. Về mặt kinh tế, cần phải có một chiến lược khai thác hợp lý và lâu dài các giá trị của khối tài sản này. Một trong số những cách làm hiệu quả đó là thông qua du lịch.

Bên cạnh đó, khai thác tốt giá trị kinh tế sẽ tạo nguồn lực vật chất, tài chính có tác dụng hỗ trợ nâng cao khả năng bảo trì di tích một cách thường xuyên và hiệu quả.

Đây chính là một hình thức tái đầu tư để phát triển. Ngoài nguồn vốn tu bổ từ ngân sách, vốn xã hội hóa, từ giai đoạn 1993-1995 đến nay, khu phố cổ Hà Nội đã trải qua nhiều đợt chỉnh trang, tôn tạo với sự giúp đỡ, tài trợ của nước ngoài như Pháp, Bỉ, Nhật Bản…

Tuy nhiên, theo KTS Phạm Trần Hải, trong quá trình tiến hành phân loại và đưa vào danh sách những công trình kiến trúc cũng gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều công trình biệt thự cổ thuộc tư nhân sỡ hữu không muốn đưa công trình của mình vào danh sách quản lý bảo tồn di sản.

Hội An là trường hợp điển hình trong việc tái đầu tư từ nguồn thu kinh tế để hỗ trợ bảo tồn di sản. Từ năm 1997 đến 2007, Hội An đã huy động từ nhiều nguồn được 5,9 triệu USD đầu tư sửa chữa 168 di tích nhà nước quản lý, ngoài ra còn hỗ trợ sữa chữa bảo tồn cho hơn 1.000 ngôi nhà cổ của người dân địa phương.

Khu vực được bảo tồn khoảng trên dưới 2km2 chủ yếu theo 3 tuyến phố Bạch Đằng, Trần Phú và Phan Chu Trinh. Việc bảo tồn ở đây làm khá hiệu quả, do các nhà quản lý đã xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn với phát triển. Đặc biệt, việc quản lý đô thị tại Hội An được thực hiện rất nghiêm, nên hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới di tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó bảo tồn di sản kiến trúc đô thị