Thứ Bảy, 12/04/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Một thời gian dài, cả thầy và trò đều quay cuồng vì điểm số. Trong bối cảnh đó, bắt đầu từ tháng 10/2014, Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT với đổi mới việc đánh giá học sinh tiểu học không phụ thuộc vào điểm số được thực hiện 2 năm qua đã góp phần giảm bớt căng thẳng cho học trò. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, khá nhiều vấn đề phát sinh. Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố Dự thảo thông tư sửa đổi nhằm lắng nghe ý kiến từ xã hội.
Việc đánh giá học sinh Tiểu học vẫn chờ hướng dẫn khi sửa đổi Thông tư 30. (Ảnh minh họa).
Nỗ lực để giáo viên và học sinh cùng giảm tải
Theo Bộ GD-ĐT, qua 2 năm triển khai thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 (TT30), tổng hợp báo cáo của 63 cơ sở giáo dục đào tạo cùng 2 nhóm chuyên gia khảo sát và đánh giá thực hiện TT30, đã chỉ ra một số ưu khuyết điểm.
Trên tinh thần kế thừa những ưu điểm cũng như khắc phục những bất cập, Bộ GD-ĐT dự thảo sửa đổi Thông tư 30 với những nội dung giảm tải cho cả học sinh và giáo viên.
Theo đó, về hồ sơ đánh giá, sẽ gồm học bạ của HS và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Như vậy, sẽ bỏ sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Giữa và cuối học kỳ, giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả đánh giá của từng HS vào bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục. Cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả đánh giá giáo dục vào học bạ. Học bạ được nhà trường lưu giữ trong suốt thời gian HS học tại trường, được giao cho HS khi hoàn thành chương trình tiểu học hoặc đi học trường khác.
Về việc giúp cha mẹ HS nắm bắt mức độ học tập rèn luyện của con em, sẽ bổ sung, tổng hợp đánh giá thường xuyên bằng lượng hóa thành các mức A, B, C vào giữa và cuối mỗi học kỳ. Riêng lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra đối với môn Toán, môn Tiếng Việt vào giữa học kỳ 1 và giữa học kỳ 2.
Việc khen thưởng cuối năm có 3 loại. Thứ nhất, HS hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: Có kết quả đánh giá các môn học, các năng lực, phẩm chất đạt mức A; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn đạt 9 điểm trở lên.
Thứ hai, HS hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá có ít nhất 50% các môn học đạt mức A, các môn học còn lại đạt mức B; các năng lực, phẩm chất đạt mức A hoặc mức B; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên. Thứ ba, HS có thành tích vượt trội hay có tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và được tập thể lớp công nhận.
Học sinh không phải để thí nghiệm
Nói về chủ trương sửa TT30, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, TT30 thì tốt nhưng vận dụng không khéo, lại vội vàng. Theo ông, bậc Tiểu học rất quan trọng, đó là bậc nền tảng, các cháu phải được học, được đánh giá một cách hết sức nhẹ nhàng, căn bản chứ không phải thí nghiệm để cho mô hình này, mô hình kia. Về phía giáo viên bị những áp lực như vậy sao mà vui được, dẫn đến quát mắng học trò.
Còn theo PGS.TS Vũ Trọng Rỹ- Phó Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, việc sửa đổi TT30 mới chỉ đáp ứng được nguyện vọng giáo viên, vẫn chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề. Ông Rỹ phân tích: Với 4 nội dung sửa đổi cơ bản lần này đã tính đến những đề nghị của giáo viên. Nhất là việc bỏ sổ theo dõi chất lượng. Cách đánh giá học sinh cũng được lượng hóa cụ thể hơn bằng A, B, C chứ không đơn thuần là “Đạt” hay “Không đạt” như trước.
Cách xếp loại A, B, C có hướng dẫn, mô tả kèm theo ngoài nhận xét của giáo viên, cách xếp loại còn phụ thuộc vào điểm kiểm tra cuối kỳ. Ví dụ, HS xếp loại A phải có điểm kiểm tra cuối kỳ, cuối năm đạt 9 điểm trở lên. Việc này sẽ rất khó cho giáo viên khi xếp loại HS.
Thậm chí, nhiều giáo viên lười có thể chỉ căn cứ vào điểm kiểm tra cuối kỳ, cuối năm để xếp loại HS chứ khó để nhớ, theo dõi cả quá trình. Như thế dễ gây thiệt thòi cho HS.
Dự thảo sửa đổi không yêu cầu giáo viên phải có sổ theo dõi chất lượng giáo dục như trước nữa nhưng lại yêu cầu mỗi giáo viên có cuốn sổ tay ghi chép cá nhân. Vậy sổ tay này có bắt buộc không? Nếu không kiểm tra thì giáo viên lười sẽ không ghi chép. Nhưng nếu kiểm tra thì giáo viên cũng lại chịu áp lực.
Về phía HS, hiện nay, bản sửa đổi TT30 đưa ra các tiêu chí để đánh giá HS gồm: Học tập, năng lực, phẩm chất. Cũng theo ông Rỹ, việc tách bạch học tập và năng lực ra thành hai tiêu chí rất khó hiểu trong khi kết quả học tập chính là phản ánh năng lực của HS, Bộ GD-ĐT cũng nên xem xét kỹ.
Riêng việc Thông tư cho phép HS tự nhận xét, đánh giá lẫn nhau là phi thực tế. HS lớp 1,2 tuổi rất nhỏ, có đánh giá, nhận xét cũng rất cảm tính như quý bạn này, không quý bạn kia. Vì thế, nhận xét theo cách này sẽ không có hiệu quả.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng việc bỏ chấm điểm đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Việt Nam cần phải tính xem TT30 đã vì sự tiến bộ của HS hay chưa? Bởi vì, 2 năm qua việc không chấm điểm thường xuyên nhưng điểm kiểm tra cuối kỳ, cuối năm vẫn là tiêu chí so sánh, đánh giá giữa các HS. Hoặc cuối kỳ giáo viên lại thông báo nhận xét, khen chê trước toàn thể hội nghị phụ huynh gốc rễ vấn đề chưa giải quyết được.
Theo ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Giáo dục - Đào tạo - Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương), để TT30 thật sự hiệu quả, cần giảm số lượng HS trong lớp. Ông Trần Việt Hùng (Liên Hiệp các hội khoa học kĩ thuật Việt Nam) cũng cho rằng, mỗi lớp trung bình 50, 60 HS như hiện nay, giáo viên áp dụng TT30 rất khó cho cả giáo viên và HS.
Cũng về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, “Chúng ta không công bằng khi yêu cầu các cô, các thầy làm việc nhiều hơn mà đãi ngộ vẫn như xưa được. Khi yêu cầu giáo viên đánh giá kỹ hơn, toàn diện hơn HS thì thu nhập của họ phải tăng lên. Nếu chúng ta chỉ quan trọng đến khía cạnh khoa học mà quên những bước đi thì hiệu quả đổi mới là rất thấp”.
Năm học mới đã được gần 1 tháng, nhưng chưa có hướng dẫn chính thức trong việc nhận xét, đánh giá HS Tiểu học. Tại buổi họp phụ huynh đầu năm học Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), cô Phạm Thị Mến- giáo viên nhà trường cho biết, hiện vẫn vừa dạy vừa chờ Thông tư sửa đổi để áp dụng cho việc nhận xét HS. Nhiều phụ huynh cũng cho rằng lẽ ra Thông tư phải được Bộ sửa đổi, lấy ý kiến và hoàn thiện trước khi bước vào năm học mới, để khoảng trống trong thời gian đầu năm, sẽ khó cho quá trình nhận xét cả năm học.