Tình trạng khói bụi độc hại do đốt rừng hàng năm vẫn ảnh hưởng toàn khu vực Đông nam Á. Và một báo cáo công bố hôm 19/9 cho thấy, đợt khói bụi năm ngoái có thể đã gây nên hơn 100 nghìn trường hợp chết sớm, điều làm dấy lên nhiều lời kêu gọi phải ngăn chặn ngay tình trạng này.
Đốt rừng trồng cọ ở Indonesia gây nên tình trạng
khói bụi độc hại ở Đông Nam Á hàng năm. (Nguồn: StraitTimes).
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Havard và Columbia ở Mỹ đã ước tính rằng, có trên 90.000 trường hợp chết sớm ở một số khu vực gầm với các đám cháy gây tình trạng khói độc hại ở Indonesia, và khoảng vài nghìn trường hợp tương tự khác được phát hiện ở Singapore và Malaysia.
Nghiên cứu mới, được thực hiện nhờ sử dụng các mô hình phân tích hết sức phức tạp, cho thấy số liệu những trường hợp chết sớm cao hơn nhiều so với thống kê số người chết chỉ ở mức 19 người mà chính quyền Indonesia đưa ra trước đây.
“Nếu không có gì thay đổi, làn khói độc hại này sẽ còn tiếp tục gây nên con số người chết sớm nhiều hơn nữa, tăng dần theo mỗi năm” - Yuyun Indradi, nhà chiến lược vận động bảo vệ rừng thuộc tổ chức Hòa bình Xanh ở Indonesia, cho hay.
Người phát ngôn phía Bộ Môi trường của Indonesia hiện vẫn chưa đưa ra bình luận gì liên quan tới báo cáo mới này.
Chính quyền Indonesia trước đó khẳng định rằng họ đang tăng cường các nỗ lực ngăn chặn việc đốt rừng để giảm tình trạng khói độc hại xảy ra hàng năm, bằng các biện pháp như cấm phân đất mới cho các công ty trồng cọ hay thành lập một cơ quan để phục hồi các vùng đất rừng đã bị phá hủy.
Khói bụi độc hại hiện nay đã trở thành một vấn nạn cứ đến hẹn lại lên ở khu vực Đông Nam Á. Tình trang này do các công ty đốt rừng trên các vùng đất bùn nhiều carbon ở Indonesia để lấy đất trồng cọ, phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất dầu cọ và bột giấy của nước này.
Các đám cháy thường xảy ra ở đảo Sumatra phía Tây Indonesia và một phần trên đảo Borneo của nước này. Các ngọn gió sau đó thổi lượng khói độc này sang Singapore và Malaysia. Đợt khí độc hại năm ngoái được cho là tồi tệ nhất kể từ trước đến nay khi nó bao phủ một phần rộng lớn khu vực Đông Nam Á, khiến nhiều nơi người dân phải sống cùng khói độc suốt nhiều tuần liền, kéo theo số lượng lớn người phải nhập viện vì suy giảm sức khỏe và còn gây nên căng thẳng ngoại giao giữa các nước.
Nghiên cứu mới dự kiến sẽ được đăng tải trên trên một tạp chí chuyên về vấn đề môi trường, trong đó gồm cả các dữ liệu chụp từ vệ tinh, phân tích ảnh hưởng về sức khỏe và dữ liệu mà các cơ quan kiểm soát ô nhiễm thu được.
Theo ước tính mà nghiên cứu đưa ra, có khoảng 100.300 người đã chết sớm ở 3 quốc gia vì đợt khói bụi độc hại hồi năm ngoái; trong đó số người chết sớm ở Indonesia là 91.600, ở Malaysia là 6.500 và ở Singapore là 2.200.
Trẻ em, trẻ sơ sinh chịu rủi ro
Tổ chức Hòa bình Xanh, cùng ngày, đã hoan nghênh nghiên cứu mới là một “bước đột phá” bởi lần đầu tiên công bố chi tiết về con số người chết sớm do ảnh hưởng từ đợt khói độc hồi năm ngoái, tuy nhiên cũng khẳng định rằng con số các trường hợp chết sớm do khói độc có thể chưa chính xác hoàn toàn.
Tổ chức này chỉ tập trung vào các ảnh hưởng về sức khỏe và ảnh hưởng từ các loại hạt độc hại đối với sức khỏe con người; trong khi không nêu tới ảnh hưởng đối với những người trẻ tuổi hay các loại độc chất mà đám cháy gây ra.
Trên thực tế, trẻ sơ sinh được cho là có nguy cơ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ tình trạng khói độc hại này; Nursyam Ibrahim, thuộc Hiệp hội Sức khỏe Indonesia, cho hay.
“Chúng tôi là các bác sỹ thực sự quan tâm tới các nhóm dễ bị ảnh hưởng từ tình trạng khói độc hàng năm, và chúng tôi hiểu được rằng nó đọc hại như thế nào đối với trẻ em và trẻ sơ sinh” - ông Ibrahim nói.
Nghiên cứu trên cũng cho hay, số lượng các đám cháy trên các bãi than bùn đã tăng mạnh trong năm 2015, nếu so sánh với đợt khói độc hại lớn hồi năm 2006; trong khi số đám cháy tại các khu trồng cọ lại giảm.
Được biết, đợt khói độc hại từ đốt rừng hồi năm ngoái được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ năm 1997 đến nay, mà nguyên nhân là do xảy ra trùng đợt với hiện tượng El Nino - hiện tượng thời tiết gây nên tình trạng khô hạn ở Indonesia và khiến các bãi đất bùn và các khu rừng dễ bắt lửa hơn.