Không bóc ngắn cắn dài

Định Công 29/12/2015 11:07

Trong thế giới hiện đại, dưới hình thức này hay hình thức khác, hầu như chẳng mấy quốc gia lại không là con nợ. Và các khoản nợ công ở tất cả các quốc gia đều không ngừng gia tăng. Ngay ở nước Mỹ, trong giai đoạn làm chủ Nhà trắng (2001-2009) của vị tổng thống thứ 43 George Bush (con), nợ công đã tăng từ 5,6 tới 9,9 nghìn tỉ USD. Khi ông Barack Obama bước vào Nhà trắng, trong giai đoạn từ 2009 tới 2015, trần nợ công của Mỹ cũng được gia tăng lên gấp 7 lần. 

Mọi sự càng trở nên bi thảm hơn khi không ít quốc gia đang phát triển hầu như không có cơ hội có thể thanh toán một cách đàng hoàng những món nợ đang mang. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ không phải vay nợ bao nhiêu mà là, sử dụng số tiền đã vay như thế nào cho ích nước lâu dài.

Mới đây nhất, tổng thống Obama đã ký ngân sách cho năm tài chính 2016 với điều kiện trần nợ công được tự động gia tăng cho tới tháng 3-2017. Các con số thống kê chính thức ở Washington cho rằng, nợ công của Mỹ hiện là 18 nghìn tỉ USD, nhưng theo cựu lãnh đạo Ủy ban Thống kê Hoa Kỳ David Walker, ở thời điểm hiện nay, nợ công thực tế của Mỹ đã lên tới 65 nghìn tỉ USD…

Đối với LB Nga, theo lãnh đạo Ủy ban Thống kê Tatiana Golikova, trong giai đoạn từ năm 2012 tới năm 2014, nợ công đã gia tăng gần hai lần, ở mức 92%. Tốc độ gia tăng nợ công của Moskva đạt mức cao nhất trong năm 2014: chỉ riêng ở giai đoạn này, tỉ lệ tăng nợ công đã đạt mức 36,4%. Còn theo những số liệu mới nhất, trong giai đoạn từ ngày 1 tới 30-11-2015, nợ công của LB Nga đã tăng thêm 45,9 tỉ rub…

Thực tế cho thấy, nợ công không phải là vấn đề mang tính nghiêm trọng tự thân nó. Bất cứ quốc gia nào, dù giàu có và hùng hậu đến đâu, nếu muốn phát triển đều cần tới những khoản tài chính vay từ bên ngoài hoặc từ các định chế tài chính tư nhân. Tuy nhiên, thanh gươm Damocles nợ nần sẽ xuất hiện và treo lơ lửng trên đầu các quốc gia nếu trần nợ công cao hơn mức cho phép của tốc độ tăng trưởng GDP… Đó là một sự thật ngay cả đối với các quốc gia phát triển.

Còn đối với những quốc gia đang phát triển, các món nợ công đều có thể sa vào tình thế hết sức “nhạy cảm”, nhất là trong điều kiện thế giới đang bị liên tục ám ảnh bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính như hiện nay. Mọi sự càng trở nên bi thảm hơn khi không ít quốc gia đang phát triển hầu như không có cơ hội có thể thanh toán một cách đàng hoàng những món nợ đang mang. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ không phải vay nợ bao nhiêu mà là, sử dụng số tiền đã vay như thế nào cho ích nước lâu dài.

Không ai phủ nhận vai trò tích cực và sự cần thiết của các khoản tiền vay nước ngoài đối với các quốc gia đang phát triển. Có một nghịch lý lớn nhất trong thế giới hiện đại là, nền văn minh nhân loại càng có những bước tiến dài, thì khoảng cách giữa các nước giầu và các nước nghèo càng tăng lên gấp bội. Từ lâu, để phần nào rút ngắn khoảng cách này, người ta coi phương thuốc đặc hiệu là các quốc gia công nghiệp và các tổ chức tài chính lớn cho “thế giới thứ ba” vay những khoản tín dụng lắm khi đạt đến mức khổng lồ. Góp gió thành bão, các nước đang phát triển dần dà trở thành những con nợ vào loại “chúa Chổm”. Từ đây lại xuất hiện một loại nghịch lý nữa: Những nước này, để trả những món nợ cũ hay số phần trăm lãi suất của các món nợ cũ, lại phải vay thêm những khoản tiền mới và cứ thế ngày một lạc sâu hơn vào cái mê lộ dường như không có lối ra đó. Một hoạt động lẽ ra hữu ích, nhưng như thực tế ở không ít nước đang phát triển đã cho thấy, lại làm nảy sinh những hiệu ứng phản tác dụng. Vì sao?

Có nhiều lý do, nhưng ở đây cần phải nói đến một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là phương thức sử dụng những đồng tiền đi vay đó. Tốc độ phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật không đồng đều giữa các quốc gia và các châu lục đã tạo nên khoảng cách rất lớn giữa trình độ sản xuất và nhu cầu về tiện nghi ở tất cả các nước, nhất là tại “thế giới thứ ba”. Đó quả thực là tấn bi kịch lớn đối với các nước đang phát triển, vì chính nó đã khiến không ít nhà lãnh đạo ở đó trong nhiều thập niên vừa qua đã sử dụng những đồng tiền vay quí giá của nước ngoài sai mục đích trong một hệ thống pháp lý có nhiều lỗ hổng. Thay vì đầu tư vào nền sản xuất nội địa để đi lên bằng chính đôi chân của mình, họ đã sử dụng chúng vào mục đích tiêu dùng hoang phí. Và sự thực là trong suốt một thời gian dài, chính các nước công nghiệp cũng cảm thấy dễ chịu trước tình hình đó, bởi lẽ nhờ thế họ càng bán được nhiều hàng hóa do họ sản xuất hơn. Chung quy là chỉ những nước có các nhà lãnh đạo mắc bệnh “bóc ngắn cắn dài” đó phải chịu thiệt thòi. Chẳng bao giờ và chưa ở đâu, trình độ tiêu dùng lại là dấu hiệu duy nhất của sự phồn vinh. Thực tế cho thấy, nếu anh xài đồ sang chẳng kém gì người Nhật, thì đó cũng không có nghĩa là đất nước anh cũng trở thành hòn đảo Mặt trời mọc… Phát triển đất nước chỉ đơn thuần theo hướng biến thành một xã hội tiêu dùng mà không quan tâm thích đáng tới phát triển sản xuất tất yếu sẽ đi vào ngõ cụt hoặc sa chân tới sát bờ vực phá sản…

Cũng có không ít thí dụ về cách sử dụng tiền vay của nước ngoài một cách đúng đắn. Biết gạt đi những nhu cầu nhất thời về tiện nghi xa xỉ, dùng những đồng tiền đi vay để đầu tư đúng chỗ vào những ngành sản xuất mũi nhọn của đất nước mình, sẽ có cơ hội để trong những khoảng thời gian không dài tạo nên được những bước tiến mạnh mẽ về kinh tế xã hội và nhờ thế, ổn định cả nền chính trị. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Đó là bí quyết thành công. Thế mới biết, điều quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển hiện nay không phải là vay nợ bao nhiêu, mà là sử dụng những đồng tiền vay được như thế nào. Tương lai của họ phụ thuộc vào chính yếu tố này. Những kinh nghiệm quá khứ hẳn sẽ rất hữu ích đối với những nước thực sự muốn bứt ra khỏi đội hình “nhất đằng đuôi” trong danh sách sắp xếp theo mức độ phồn vinh kinh tế trên thế giới...

Theo báo cáo được chuẩn bị bởi phái đoàn thường trú của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam (VRM) cho Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2015 (diễn ra ngày 5-12-2015 với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”), kể từ năm 2000 tới nay, nợ công và các khoản nợ do Nhà nước đảm bảo đã gần như tăng gấp đôi và hiện ở khoảng 60% GDP trong năm 2015, cao hơn mức trung bình trong khu vực và giữa các nền kinh tế có thu nhập thấp. Trong khi đó, theo thông lệ thực tế, các nền kinh tế thu nhập thấp thường có tỷ lệ nợ công giảm… VRM cho rằng, việc tăng nợ công ở Việt Nam hiện nay kéo theo chi thường xuyên cao hơn cùng thời kỳ trong khi nguồn vốn chi đầu tư vẫn hầu như không thay đổi và tính theo tỷ lệ GDP. Trong khi các nguồn vay ưu đãi từ nước ngoài vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong danh mục nợ, các khoản nợ trong nước là nguyên nhân tăng chủ yếu. Còn phát triển thị trường trái phiếu trong nước sẽ cung cấp thêm nguồn tài chính cho chính phủ, nhưng sẽ rất dễ bị tổn thương. Và đó là một thách thức lớn buộc chính phủ phải có những hành động đối phó ngay lập tức vì theo nhận định của Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh nghiệm các quốc gia cho thấy, mức an toàn của nợ công nên trong khoảng 40-50% GDP... Đối tác ADB cũng cho rằng nếu duy trì quỹ đạo chính sách hiện tại, sẽ dẫn đến nợ công cao hơn, kể cả khi tiếp tục kiềm chế chi tiêu - bao gồm cả chi đầu tư, dẫn tới làm giảm tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn - và thực hiện các biện pháp tăng thu tạm thời như chi trả cổ tức của các doanh nghiệp Nhà nước…

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong báo cáo ngày 20-10-2015 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 – 2015, cũng đã cho rằng, “nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn”. Hiện nay, nợ công của Việt Nam đang ở mức khoảng 61,3% GDP. Trong đó, đến hết năm 2015, nợ Chính phủ là 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia là 41,5%, tức là trong giới hạn an toàn theo quy định. Và Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng, hiện nay, nợ công của Việt Nam tập trung cho đầu tư phát triển…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không bóc ngắn cắn dài