Không được Hội đồng Thẩm định đồng ý chọn bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại trong một diễn đàn có nói với báo chí rằng, ông kiên quyết không sửa nó, theo ý của Hội đồng, nếu chỉ để bộ sách được thông qua. Tất nhiên là “cha đẻ” của Công nghệ giáo dục, ông có thể có cái khí khái và cực đoan riêng khi nói về đứa con tinh thần của mình. Nhưng nếu bình tĩnh nhìn nhận, thì chúng ta thử đặt vấn đề thế này: Cho dù Công nghệ giáo dục đã đi trước nhiều bước, cho dù nó đầy tính ưu việt thì liệu một bộ sách ra đời cách đây 40 năm, đứng trước thời đại mới hôm nay, chả lẽ nó lại hoàn toàn không có chỗ không còn phù hợp hay sao?
Chúng ta đang làm một bước cải tiến rất lớn trong giáo dục, là thay cho những bộ sách giáo khoa độc quyền, duy nhất áp dụng vào chương trình học, là tiến tới “MỘT CHƯƠNG TRÌNH NHIỀU BỘ SÁCH GIÁO KHOA”. Tôi rất muốn viết hoa dòng chữ này bởi vì đây là bước thay đổi rất lớn mà theo dõi trên nhiều diễn đàn, kể cả ở nghị trường, cho đến bây giờ, vẫn có không ít người vẫn còn chưa phân biệt được. Việc Hội đồng Thẩm định lựa chọn các bộ sách giáo khoa được phép đưa vào giảng dạy vừa qua là theo tiêu chí của Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua năm 2018. Như vậy ở chỗ này đã thấy hình như có sự khác biệt, sự không hợp lý khi sách giáo khoa Công nghệ giáo dục được đưa vào thẩm định cùng với các bộ sách giáo khoa khác. Chúng ta đều biết rằng sách giáo khoa Công nghệ giáo dục được biên soạn phù hợp với Chương trình Giáo dục công nghệ hay vẫn gọi là chương trình Giáo dục Thực nghiệm. Không biết trong thực tế giữa Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình Giáo dục Thực nghiệm có trùng khít với nhau không. Bởi vì câu chuyện đáng quan tâm không phải là sách giáo khoa mà là chương trình.
Ngoài chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới tinh vừa được thông qua năm 2018, Bộ có đồng ý cho tồn tại song song các chương trình khác như chương trình Giáo dục Công nghệ (Thực nghiệm) hay không? Nếu có thì sách giáo khoa Công nghệ đương nhiên được áp dụng riêng cho chương trình Thực nghiệm. Nếu không thì sách giáo khoa Công nghệ muốn được đưa vào dạy bắt buộc phải tuân theo tiêu chí của Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể. Có vẻ như vừa rồi, nó được chọn theo giả thiết thứ hai, tức là bị loại vì không đáp ứng các tiêu chí của Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể. Cho nên, nếu dư luận định phản biện, hãy nói về chương trình, thay vì ầm ĩ về bộ sách giáo khoa. Nghĩa là các chuyên gia phản biện nên kiến nghị giữ chương trình Giáo dục Thực nghiệm vì tinh thần khai phóng hay triết lý giáo dục tiến bộ, nhân văn của nó. Một khi chương trình Giáo dục Thực nghiệm vẫn còn tồn tại, nó tất yếu cần bộ sách giáo khoa phù hợp.
Đặt giả thiết chương trình Giáo dục Thực nghiệm vẫn được lựa chọn, thậm chí có thể ngày càng được mở rộng hơn, thì bàn thêm về sách giáo khoa như thế này. Nhiều người đưa ra lý luận là một bộ sách đã tồn tại 40 năm, được thực tiễn chứng minh là tốt đẹp, chỉ có những thành viên Hội đồng Thẩm định là không thấy được cái hay cái tốt của nó. Đây thực ra cũng là một kiểu lý luận cực đoan và thường dễ dẫn đến những xúc phạm cá nhân. Chúng ta cứ cho rằng về cơ bản triết lý của Công nghệ giáo dục là nhân văn, tiến bộ, nhưng rõ ràng trên nền tảng cơ bản của triết lý ấy cũng không thể khư khư đảm bảo rằng một bộ sách giáo khoa ra đời cách đây 40 năm, cho đến thời điểm này, khi xã hội đã có rất nhiều thay đổi, lại vẫn không cần phải sửa gì.
TS Nguyễn Văn Toàn, một chuyên gia giáo dục, mới đây trên trang cá nhân, mặc dù đề cao chương trình Giáo dục Công nghệ, cũng đã viết: “Tôi cũng nghiêng về quan điểm gần với Hội đồng thẩm định quốc gia, rằng: sau 40 năm thì chắc chắn sẽ cần phải thay/sửa rất nhiều chi tiết trong bộ giáo trình ấy, cả về Toán và tiếng Việt. Chứ bộ sách cũ 40 năm không bổ sung, sửa chữa, có hướng dẫn chi tiết thì yêu mấy, tôi cũng không dám cho qua.” Chuyên gia này cũng cho rằng, chương trình mới quan trọng, triết lý giáo dục mới quan trọng nên việc sửa sách giáo khoa không phải là quá khó khăn và sau khi sửa chắc chắn sẽ được đánh giá công tâm hơn.
Trải qua nhiều lần đổi mới giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục lần này đang được trông đợi. Và chúng ta mong muốn những triết lý giáo dục nhân văn, tiến bộ, phù hợp với việc hình thành nhân cách con người trong thời đại mới được thể hiện đầy đủ ở đó. Đó phải chăng cũng chính là đã tiếp thu và kế thừa từ nhiều xu hướng giáo dục trên thế giới và ở Việt Nam mà chương trình giáo dục Thực nghiệm là một trong số đó. Viết đến đây, đột nhiên tôi lại nghĩ rằng, trong số những phẩm chất nền tảng của giáo dục con người, chắc không bao giờ chỉ có chỗ cho một sự duy nhất đúng.