Sức khỏe

Không chủ quan với sốt xuất huyết

Dương Toàn 17/11/2023 14:00

Thông tin từ Bộ Y tế, tuần qua, cả nước ghi nhận thêm hơn 7.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 1 ca tử vong tại tỉnh Long An. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 136.000 ca mắc SXH, 35 ca tử vong.

anh-bai-chinht13.jpg
Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Đức Trân.

Tại các tỉnh miền Bắc, với nhiệt độ giảm sâu trong vài ngày gần đây, một số tín hiệu tích cực về tình hình dịch SXH đã được ghi nhận. Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tuần qua, Hà Nội ghi nhận 2.530 trường hợp mắc SXH tại 30 quận, huyện, thị xã; giảm 60 ca so với tuần trước đó.

Còn tại tỉnh Hải Dương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh cho hay, từ ngày 12/11 tới nay, trời chuyển rét, số ca mắc SXH cũng giảm sâu. Ngày 13/11, tỉnh ghi nhận số ca mắc SXH mới giảm sâu nhất trong vòng hơn 2 tháng qua với 6 trường hợp.

BS Nguyễn Thu Hường - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) nhận định, trong thời gian tới dịch SXH sẽ giảm dần do thời tiết lạnh có khả năng chậm lại xu hướng phát triển của muỗi.

Trao đổi cùng phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng lý giải: Muỗi vằn gây SXH sinh sản và phát triển mạnh ở nhiệt độ từ 25 độ C trở lên, bởi vậy, khi nhiệt độ giảm thì khả năng sinh sản của muỗi sẽ chịu ảnh hưởng, số lượng muỗi giảm dẫn tới số bệnh nhân mắc SXH cũng giảm. Tuy nhiên, cần thêm thời gian để xu hướng này trở nên rõ ràng hơn, bởi lẽ hiện nay vẫn còn số lượng lớn muỗi trưởng thành sinh sống trong môi trường, bên cạnh đó cũng không loại trừ số lượng bệnh nhân đã bị muỗi truyền bệnh nhưng đang trong thời gian ủ bệnh. Do vậy, dịch vẫn sẽ kéo dài trong thời gian gần. Người dân không nên chủ quan khi có dấu hiệu sốt hoặc lơ là phòng, chống dịch SXH.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đánh giá, mặc dù số ca mắc SXH ghi nhận trong tuần qua đã giảm nhẹ so với tuần trước đó, nhưng vẫn ở mức cao. Kết quả kiểm tra giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) nêu thực trạng: Nhiều người vẫn chủ quan cho rằng SXH là bình thường, cứ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Tuy nhiên thực tế, nhiều trường hợp sốt chưa có biểu hiện xuất huyết nhưng bị cô đặc máu dẫn đến sốc, lúc này điều trị rất khó khăn, thậm chí tử vong.

Thông thường, người mắc SXH sẽ trải qua 3 giai đoạn, từ ngày thứ 1 đến ngày 3 là giai đoạn sốt, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm, từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 là giai đoạn hồi phục. Có 2 cơ chế bệnh sinh có thể dẫn đến nguy hiểm: Virus khi tấn công vào cơ thể sẽ ức chế tủy xương gây hạ tiểu cầu, từ đó sẽ dẫn đến xuất huyết. Virus làm tổn thương thành mao mạch, gây tăng tính thấm làm thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch, hậu quả cô đặc máu, từ đó bệnh nhân có thể sốc do giảm thể tích tuần hoàn. Hạ tiểu cầu sau một thời gian thì tiểu cầu sẽ lên, nhưng điều trị sốc giảm thể tích do cô đặc máu rất khó chữa, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân, trong thời điểm hiện tại, khi có dấu hiệu sốt, đặc biệt là người dân ở khu vực có nguy cơ cao, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai cần được thăm khám tại cơ sở y tế đảm bảo chất lượng để có thể điều trị kịp thời. Đặc biệt, không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với sốt xuất huyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO