Nông sản Việt đa dạng và có chất lượng, điều đó nhiều thị trường đã công nhận. Tuy nhiên, làm thế nào để nông sản Việt Nam vươn ra xuất khẩu vẫn luôn là bài toán cần có lời giải.
Gần đây, thi thoảng lại thấy những tín hiệu vui về nông sản xuất khẩu. Mới rồi là chuyện 2.000 trái dừa sáp tươi Trà Vinh lần đầu tiên xuất khẩu bằng máy bay sang Australia đã được phân phối hết sau thời gian ngắn đưa ra tiếp thị. Dừa sáp Trà Vinh có giá bán lẻ quy ra tiền Việt khoảng 600.000 đồng/ quả và là một mặt hàng có giá trị cao tại Austraila.
Trước đó, vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu hàng trăm tấn sang Nhật Bản. Riêng lô vải thiều 20 tấn đầu vụ xuất sang Nhật được tiêu thụ gần hết trong ngày với giá từ 350 - 500 nghìn đồng/kg.
Đó thật sự là tín hiệu vui.
Nhưng nông sản Việt rất đa dạng, mùa nào thức đó, cần có những thúc đẩy mạnh mẽ hơn, thậm chí thay đổi thói quen canh tác của bà con để có thể chinh phục các thị trường rộng lớn như Nhật Bản, Mỹ, EU... Sự xoay chuyển này có thể đẩy nhanh hơn khi có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Câu hỏi được đặt ra là, lâu nay, chúng ta hay nói đến những thị trường khó tính. Vậy có thị trường khó tính thật hay không?
Theo ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu đã tạo hiệu ứng giúp việc tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Ông Tiến dẫn ví dụ củ sả. Khi tiến hành đi thu mua củ sả xuất khẩu đi Nhật Bản ở một số địa phương, sả chỉ là loại cây bà con trồng ven đường, bờ rào, bán với giá rẻ 3.000 - 5.000 đồng/kg. “Nhưng khi chúng tôi vào, xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản, giá lên tới 11.000 - 12.000 đồng/kg”, ông Tiến cho biết thêm.
Chỉ khi tiếp cận các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ biết mình cần làm gì để góp phần giúp thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, đồng thời hợp tác ra sao với địa phương để định hình vùng nguyên liệu. Cũng chính nhờ sự hợp tác này mà ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có thể đảm bảo được vùng nguyên liệu ổn định…
Theo ông Tiến, nhờ chuẩn bị kỹ nên chúng tôi đã thu mua đủ nguồn nguyên liệu xuất khẩu trước khi dịch thực sự bước vào giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm; dù trên thực tế khi thu mua vải, chúng tôi cũng đã gặp trường hợp chủ vườn là F0 nhưng nhờ có được sự ủng hộ của chính quyền địa phương nên chúng tôi vẫn thu mua được đúng sản lượng doanh nghiệp cần.
“Trong thời điểm dịch bệnh vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp đã mất mối hàng vì không thể tổ chức tốt việc cung ứng sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, nhưng riêng chúng tôi lượng đơn hàng tăng gấp đôi. Nói như thế để thấy, nếu chuẩn bị tốt, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể vượt bão, vẫn có thể duy trì việc sản xuất kinh doanh, không bị ảnh hưởng quá lớn bởi dịch bệnh”.
Ông Tiến quả quyết, không có thị trường khó tính, chỉ có bản thân mình đang dễ dàng. Chúng ta cần phải tự làm khó mình, cần phải chủ động dựng lên những hàng rào kỹ thuật của doanh nghiệp thì mới đáp ứng được nhu cầu của đối tác. Do vậy, các doanh nghiệp cần nghiêm túc hơn trong việc kiểm soát quy trình sản xuất của mình. Kiểm soát từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đến kiểm nghiệm sản phẩm trước khi xuất khẩu...