Ngày 6/5, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Xuất khẩu lao động sẽ chuyển đổi để phù hợp với tình hình mới. Ảnh: H.Bình/TN.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Dự án luật phải thể hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động, doanh nghiệp (DN), đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cùng với đó cần có Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước và quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ giải quyết vấn đề việc làm, xóa đói giảm nghèo mà hiện nay phải đưa người có trình độ chuyên môn đến làm việc ở các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, các nước tiếp nhận lao động đó phải an toàn, có thu nhập cao, phải có khoa học kỹ thuật phát triển.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu đã thống nhất quan điểm của Dự án luật là quy định chính sách về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, không được làm mất hình ảnh của người lao động Việt Nam. Bởi lẽ, đến giờ Việt Nam không phải là đất nước thừa lao động đi xuất khẩu lao động như trước đây. Hiện Việt Nam bắt đầu đến giai đoạn “dân số vàng” cũng cần lao động phát triển kinh tế - xã hội, do đó phải ưu tiên bố trí lao động trong nước, còn xuất khẩu lao động là xuất khẩu những ngành nghề lĩnh vực nổi trội, thu nhập cao, đưa được khoa học kỹ thuật về nước.
Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua chúng ta đã từng bước, không chấp nhận cho đi người lao động đi bằng mọi giá. Theo đó Bộ cũng chọn địa bàn, lĩnh vực để cho lao động đi. Xu hướng các nước rất muốn Việt Nam đưa người lao động ở lĩnh vực điều dưỡng viên nhưng quan điểm của tôi là không được. Do đó 3 năm nay chỉ cho làm thí điểm. “Xu hướng chuyển mạnh theo hướng là trước đi đào tạo qua các trường nghề và kết nối trường nghề với DN. Các cháu có thể nhận việc ngay với DN trong nước, DN nước ngoài làm việc với Việt Nam, sau đó đi ra nước ngoài tại các DN này và khi trở về có nơi nhận”- ông Dung cho hay.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chúng ta đào tạo nguồn nhân lực không chỉ là tăng thu nhập cho người lao động,mà đó còn chính là nguồn nhân lực cho tương lai phát triển của đất nước. Đây là vấn đề rất quan trọng, đến bây giờ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không phải bằng mọi giá mà phải tính toán rất kỹ. Trên cơ sở đó, theo ông Lợi, các điều kiện, tiêu chuẩn các điều luật phải hết sức chặt chẽ và phải thể hiện tư tưởng quan điểm của Đảng.
“Chúng ta phải đưa lao động đi để lấy cái hình ảnh người lao động Việt Nam là lao động phải có năng lực, phải có trình độ chuyên môn, sức khỏe, trí tuệ này phải hiểu biết văn hóa của các nước sở tại mình đến đâu và phải thể hiện được hình bóng của người lao động ở trên thị trường thế giới”- ông Lợi nói.
Cũng trong ngày 6/5, thông tin từ Văn phòng Quốc hội cho biết trong 3 ngày (8,15, và 16/5) sẽ diễn ra phiên họp thứ 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp này, UBTV Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về: Dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
UBTV cũng sẽ cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020 và một số vấn đề quan trọng khác.