Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh phải tạo lập khung thể chế vượt trội để phát triển 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Mới đây, ngày 25 và 26/8, khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu sớm hoàn thiện Đề án thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Như vậy, việc xây dựng Đặc khu kinh tế đã vào giai đoạn quyết địn
Cảng Vân Đồn.
Đặc khu kinh tế (ĐKKT) được coi là điểm đột phá, là mũi nhọn, là đầu tầu phát triển trong một khu vực cụ thể; có sức lan tỏa rộng. Việc xây dựng các ĐKKT không phải tới bây giờ mới đặt ra, mà ý tưởng đã có từ 20 năm trước, tuy nhiên việc triển khai là khá chậm. Mà một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ ấy chính là khung pháp lý cho ĐKKT, có nghĩa là xây dựng thể chế riêng thuận lợi để ĐKKT phát triển.
Nói như Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng thì nếu không có cơ chế, chính sách khuyến khích vượt trội, mô hình đặc khu khó có khả năng cạnh tranh để thu hút đầu tư và vẫn tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Theo ông Dũng, để có được cơ chế vượt trội cho các ĐKKT thì tiêu chí chung là ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với quy định của các luật hiện hành và các dự kiến cam kết quốc tế của Việt Nam. Chẳng hạn đối với chính sách thuế thì tùy từng mặt hàng cho phép linh hoạt áp dụng miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng được áp dụng mức thuế suất 0% hoặc không phải chịu thuế giá trị gia tăng; không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thuế thu nhập cá nhân cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có những chính sách ưu đãi đặc thù. Đáng chú ý, ĐKKT cũng có thể được phép giữ lại toàn bộ số thu trong một thời gian cần thiết. Đồng thời, tỉ lệ điều tiết ngân sách địa phương về Trung ương tại các địa phương có đặc khu cũng sẽ được điều chỉnh để tạo nguồn vốn và hỗ trợ đầu tư xây dựng một số hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu.
Một trong những điểm mấu chốt về bộ máy ĐKKT là các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc như quốc phòng, an ninh, tòa án, viện kiểm sát, thuế, hải quan, ngân hàng... đóng trên đặc khu sẽ tinh gọn, có đủ thẩm quyền liên quan để giải quyết nhanh các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Chính vì những thay đổi rất mạnh đó, nên nói như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là “chúng ta sẽ phải chờ quyết định cuối cùng Quốc hội”.
Thị sát ĐKTT tương lai là Vân Đồn (ngày 26/8), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ, tỉnh Quảng Ninh và các nhà đầu tư chiến lược phối hợp chặt chẽ, tiếp tục nghiên cứu, khai thác tối đa các giá trị kinh tế của huyện đảo này; học hỏi kinh nghiệm xây dựng và phát triển các ĐKKT của các nước trên thế giới trong việc quản lý thông thoáng, cung cấp các dịch vụ tài chính, kinh tế, du lịch, văn hoá có chất lượng cao, đa dạng để thu hút các doanh nghiệp và khách du lịch.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị “tăng tốc” các dự án để nhanh chóng phát huy giá trị của Vân Đồn khi Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trình Quốc hội thông qua vào cuối năm. Cũng chính vì thế, khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh (ngày 25/8), Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tiếp tục rà soát thể chế, chính sách cho ĐKKT là rất quan trọng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, trong quá trình xây dựng Đề án ĐKKT Vân Đồn, cần bảo đảm không cạnh tranh trong thu hút đầu tư với hai đặc khu Bắc Vân Phong và Phú Quốc; đồng thời đề nghị tỉnh Quảng Ninh báo cáo kỹ hơn về thẩm quyền của chức danh Trưởng Đặc khu Vân Đồn.
Như vậy có thể thấy, thời gian “chạy đà” trong quá trình xây dựng đề án thành lập ĐKKT đã hết, bây giờ phải là giai đoạn tăng tốc về đích. Khi đã xác định vai trò quan trọng có tính đột phá của ĐKKT thì không thể đủng đỉnh mãi. Một mặt, phía địa phương cần gấp rút hoàn thiện đề án với những đề xuất cụ thể; mặt khác phía Trung ương cũng cần thẩm định sớm và có quyết định theo hướng mở để những ĐKKT của đất nước sớm hình thành và đi vào hoạt động.
Đó cũng không phải là điều gì đó quá mới mẻ, bởi thành công cũng như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã hiện hữu. Vấn đề ở đây chính là sự quyết liệt trong tư duy, thái độ dám làm, dám chịu trách nhiệm, loại bỏ lợi ích nhóm.
TS Vũ Thành Tự Anh (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright VN) cho rằng việc thành lập các ĐKKT được kỳ vọng sẽ trở thành các “phòng thí nghiệm” cho cải cách thể chế và chính sách có tính đột phá. Và một khi được chứng minh có hiệu quả tại các đặc khu, các thể chế, chính sách mới ấy sẽ được thực hiện rộng rãi hơn trên khắp đất nước.
Tương tự, TS Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương) cho rằng, muốn có một ĐKKT đặc thù thì phải có một cơ chế đặc thù, đặc biệt. Và điều đó cần phải được “quyết” sớm, nếu không thì việc hình thành các ĐKKT sẽ mãi chỉ dừng lại ở ý tưởng và có chăng là chỉ nóng trên bàn hội nghị, hội thảo- trong khi sự đột phá để phát triển của đất nước lại không thể chậm trễ.
Cũng xin nhắc lại, trên thế giới hiện có khoảng 3.500 ĐKKT ở 135 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong khi chúng ta bây giờ mới tìm cơ chế để xây dựng ĐKKT. Như vậy, rõ ràng là quá chậm và không thể muộn hơn được nữa.
Đặc khu kinh tế (hay còn gọi là Khu kinh tế đặc biệt) là mô hình phát triển cao hơn dựa trên mô hình khu kinh tế cơ bản với các đặc trưng là có không gian riêng biệt, có môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tại Hội nghị Trung ương 4 khoá 8 (tháng 12/1997), ý tưởng xây dựng các khu kinh tế đã được đề xuất. Tuy nhiên, đến năm 2002, chủ trương xây dựng thí điểm mô hình khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) mới được quyết định. Từ đó tới nay đã có 18 khu kinh tế ven biển được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển khu kinh tế ven biển của cả nước đến năm 2020 với tổng diện tích mặt đất và mặt nước 730.553 ha (tương đương 7305,53 km2), bằng khoảng 2,2% tổng diện tích của cả nước. Trong trường hợp Việt Nam tập trung phát triển Đặc khu kinh tế thời gian tới, Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ là những Đặc khu kinh tế thực sự, không tính 18 khu kinh tế kể trên. |