Tình trạng lợi ích nhóm, chạy chức chạy quyền được coi là “tham nhũng trong công tác cán bộ”, là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho tham nhũng trở thành con đường tiến thân của những kẻ cơ hội. Lợi ích nhóm liên kết lại trở thành sức mạnh để lũng đoạn bộ máy nhà nước, là nguy cơ lớn cho sự phát triển công bằng và lành mạnh.
Đã rất nghiêm trọng
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã thẳng thắn chỉ ra: Tình trạng chạy chức chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” gây bức xúc trong dư luận xã hội.Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020.
Theo đó, sẽ thể chế hoá, cụ thể hoá Nghị quyết thành các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên; Đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; Hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm và rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt đã nhiều lần, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ đạo: “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm”.
Chạy chức, chạy quyền đã để lại những hệ lụy tiêu cực về kinh tế, chính trị, xã hội vô cùng nặng nề. Chưa kể chạy chức, chạy quyền là cơ hội cho những phần tử xấu vi phạm kỷ luật vẫn chui sâu leo cao vào bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội. Cụ thể như ở tỉnh Đồng Nai trong thời gian từ năm 2003-2014, bà Phan Thị Mỹ Thanh mắc nhiều khuyết điểm “rất nghiêm trọng và có tính hệ thống”. Nhưng cũng trong thời gian đó, bà Thanh liên tục thăng tiến, từ Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai, Bí thư Huyện uỷ huyện Nhơn Trạch (năm 2009), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (năm 2011), Phó Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2015-2020); được giới thiệu bầu làm ĐBQH và làm Trưởng đoàn ĐBQH Khoá XIV của tỉnh Đồng Nai. Bà Thanh đã bị kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.
Cả họ làm quan
Mặt trái của chạy chức, chạy quyền không chỉ đưa “cánh hẩu” của mình vào bộ máy mà còn việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn đưa người nhà vào bộ máy, để cả “nhà làm quan”, cả “họ làm quan”, hay “chính trị hóa gia đình”. Thực tế đó đã “lộ sáng” tại tỉnh Hà Giang, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), huyện An Dương (Hải Phòng)… Tình trạng này dẫn đến quyền lực chính trị, kinh tế của địa phương bị một gia đình hoặc một dòng họ thao túng, chi phối.
Từ tình trạng cả họ làm quan tại một số địa phương, nói với Đại Đoàn Kết, ông Phạm Văn Hòa- Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Thực tiễn đã xảy ra việc cả “họ làm quan”. Hiện nay ta làm quy hoạch đã chuẩn xác nhưng về “bổ sung quy hoạch” thì thời điểm nào, lúc nào cũng có thể bổ sung được. Trong nhiệm kỳ đã làm quy hoạch A1, A2, A3 nhưng cuối nhiệm kỳ cũng làm quy hoạch để “bổ sung quy hoạch”. Cho nên cả “nhà làm quan” là do quy hoạch cuối đưa vào chứ còn quy hoạch trước đó không có. Vì bổ sung quy hoạch không ai bắt lỗi được và đó là sở hở nên trong thời gian qua dẫn đến tình trạng cả nhà làm quan từ trên xuống dưới. “Vì nể nang người đứng đầu nên người làm công tác cán bộ có phần ngại, không dám “va chạm” nên đành đưa vào quy hoạch để trình lên. Khi đưa ra Ban Thường vụ quyết, nhiều khi thấy anh A, chị B chưa được nhưng vì ngại và sợ nên cũng đành đồng ý nên dẫn đến tình trạng cả nhà làm quan”- ông Hòa nói. Từ đó ông Hòa cho rằng, để không còn tình trạng “cả nhà làm quan” cần tổ chức thi tuyển lãnh đạo. Như vậy sẽ tạo sự công bằng khách quan và hợp lý.
Còn, PGS.TS Lê Quốc Lý- Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì cho rằng: Cần nghiêm túc trong luân chuyển cán bộ, kỷ luật Đảng phải nghiêm. Chúng ta đã nói người đứng đầu không phải người địa phương thì Đảng phải thực hiện nghiêm, thí điểm 5 vị trí người đứng đầu không phải người địa phương cần làm tích cực và mạnh mẽ hơn nữa. Chứ bây giờ nhiều nơi vẫn đề bạt người địa phương, từ Bí thư cho đến các cấp thấp hơn. Trước đây, đỗ cử nhân còn được điều đi khắp mọi nơi vậy tại sao trong chế độ ta, cán bộ vì dân vì nước mà cứ sợ khó sợ khổ, ai cũng chọn nơi có lợi cho mình? Cho nên phải có kỷ luật thật nghiêm, khi điều động đi địa phương, ai xin ở lại là cho nghỉ luôn chứ đừng để tình trạng xin ở lại lại được chỗ “ngon” hơn.
(Bài cuối: Giải pháp để Quy định 205 đi vào cuộc sống)