Chạy chức, chạy quyền đã được nhận diện và cần phải ngăn chặn. Vừa qua Bộ Chính trị ban hành Quy định 205-QĐ/TƯ (Quy định 205) về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền để không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy. Nhưng để Quy định 205 đi vào cuộc sống rất cần thực hiện nhiều nhóm giải pháp, trong đó đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu chính là giải pháp cốt lõi trong ngăn ngừa, ngăn chặn tình trạng chạy.
Sự nêu gương của người đứng đầu
Trao đổi với Đại đoàn kết, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng: Trước kia các văn bản thường mang tính định tính nhưng lần này Quy định 205 đã đi vào định lượng, tức là nhận diện các hành vi. Theo đó, giống như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đưa ra nhận diện về 27 biểu hiện, thì lần này Quy định 205 đã chỉ rõ những biểu hiện của chạy chức, chạy quyền, và cần kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Đây là bước phát triển đáng mừng. Tuy nhiên để Quy định 205 đi vào cuộc sống, theo ông Phúc, các cấp ủy, tổ chức Đảng và người trực tiếp làm công tác cán bộ là các cơ quan tổ chức đề cao tinh thần trách nhiệm để thực thi. “Vấn đề là anh bị che lấp bởi các động cơ khác mới khó làm, nếu quang minh, chính đại hoàn toàn có thể biết được đâu là động cơ tiêu cực, đâu là tình cảm chân thành trong mối quan hệ giữa cán bộ-đảng viên”-ông Phúc nói.
Vấn đề đầu tiên là “người làm công tác cán bộ” nếu không trách nhiệm, không trong sáng sẽ có thể lợi dụng vị trí lãnh đạo để bố trí sắp xếp cán bộ theo hướng... gắn với lợi ích của mình. Nếu thực sự trong sáng vì nhân dân, đất nước, vì Đảng thì hoàn toàn không có gì có thể che lấp. Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, ở đây đòi hỏi tính minh bạch và thực sự dân chủ trong công tác lãnh đạo của Đảng nói chung và đặc biệt là trong công tác cán bộ. Nếu thực sự dân chủ, thực sự minh bạch, thực sự vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích và cuộc sống của nhân dân, hoàn toàn có thể khắc phục được tiêu cực trong công tác cán bộ. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu các hiện tượng bổ nhiệm người nhà, người thân vào các vị trí lãnh đạo. Nhưng bây giờ Quy định 205 nêu rõ các hiện tượng đó bị nghiêm cấm và được nhận diện cho rõ để chỉ đạo thực hiện cho quyết liệt.
“Nếu người đứng đầu làm công tác tổ chức cán bộ thực sự trong sáng vì sự phát triển của Đảng, đất nước sẽ không khó thực hiện và hoàn toàn có thể ngăn chặn được tình trạng tiêu cực đó. Sự nêu gương của người đứng đầu, cán bộ đảng viên là điều quan trọng nhất vì ngoài phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, sự nêu gương trong sáng trong công tác cán bộ, minh bạch dân chủ trong công tác cán bộ là vô cùng quan trọng”-ông Phúc nói.
“Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205 nghiêm cấm chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm đang được cán bộ đảng viên đồng tình vì vừa mang tính ngăn chặn, vừa mang tính răn đe. Nhưng chạy chức, chạy quyền rất kín đáo, tinh vi do đó người đứng đầu từ Trung ương cho đến bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu chấp hành và nêu gương thực hiện, không để cho những người chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp vào cấp ủy, vào vị trí chủ chốt đó mới là điều quan trọng. Vì ngăn chặn, phòng ngừa, răn đe để hạn chế mức thấp nhất, những ai muốn chạy chức, chạy quyền vào vị trí quan trọng. Thường mỗi khi cuối nhiệm kỳ, người lãnh đạo thường xắp xếp, bố trí người thân quen vào vị trí chủ chốt nhằm sau này có thể “nhờ vả”, hưởng lợi sau khi nghỉ. Nhưng đó chính là thoái hóa biến chất, lợi ích nhóm, thực dụng vì thế nếu đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu theo tinh thần Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương thì mới có được đội ngũ cán bộ tốt đưa đất nước phát triển”-ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ khi đưa ra giải pháp để Quy định 205 đi vào cuộc sống.
Nêu cao trách nhiệm tự phê bình và phê bình
Đề cập đến giải pháp để Quy định 205 thực hiện hiệu quả trong thực tiễn, ông Hoàng Trọng Hưng, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, phải thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Theo đó, phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về nội dung của Quy định 205 gắn với đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để nâng cao lòng tự trọng, hình thành văn hóa, môi trường lành mạnh trong công tác cán bộ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng để hoàn thiện các quy chế, quy định làm sao chặt chẽ, đồng bộ, liên thông về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, kể cả quản lý đội ngũ cán bộ đảng viên. Đồng thời tiếp tục rà soát để sửa đổi quy chế, quy định kể cả bên Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đồng bộ liên thông, tránh không đồng bộ, vênh nhau rất khó. “Phải nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của các cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra định kỳ đột xuất trong công tác cán bộ. Coi trọng cảnh báo, phòng ngừa, xử lý nghiêm minh vi phạm để đảm bảo làm sao không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy, không muốn chạy. Tăng cường kiểm tra giám sát, thanh tra nội bộ theo chuyên đề, chuyên ngành”-ông Hưng cho hay.
Tuy nhiên một vấn đề quan trọng được ông Hưng nhắc đến là sự nêu cao ý thức trách nhiệm tự phê bình và phê bình của tập thể có liên quan. Đồng thời phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông báo chí và nhân dân trong tuyên truyền, kiểm tra giám sát quyền lực nhằm kịp thời phát hiện tiêu cực để đưa thông tin đến tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xử lý.
Thực tế thì nếu không xử lý người “chạy”, rất có thể làm mất đi động lực của người có phẩm chất, năng lực. Chính vì thế, theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng (Ban Tổ chức Trung ương), nói đến vấn đề chạy chức, chạy quyền, trước đây dư luận vẫn đặt câu hỏi “ai chạy, chạy ai”, nhưng lần này trong Quy định 205, Bộ Chính trị đã chỉ ra được những “địa chỉ” có thể chạy chức, chạy quyền. Đó là chạy đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lực trong công tác cán bộ. Quy định 205 đã nêu rõ những cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân có liên quan đến công tác cán bộ sẽ phải làm gì, được làm gì, không được làm những gì một cách cụ thể. Đồng thời cũng chỉ rõ những hành vi được coi là hành vi nhằm chạy chức, chạy quyền. “Từ đó để soi, để áp vào thực tế, nếu cán bộ nào có biểu hiện như nêu trong Quy định 205, tức là cán bộ đó có biểu hiện của hành vi chạy chức, chạy quyền. Từ quy định ban hành sẽ là cơ sở để cho cán bộ đảng viên và người dân tham gia giám sát, phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa tiêu cực này, cùng với việc có chế tài để xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền”- ông Hà nói.
Tuy nhiên để Quy định 205 đi vào cuộc sống và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền, theo ông Hà, Quy định 205 đã nêu các việc cụ thể về việc được làm, và không được làm, cùng với những chế tài xử lý với những hành vi chạy chức, chạy quyền được biểu hiện như thế nào. Do đó toàn Đảng, toàn dân cần căn cứ vào đó để theo dõi, giám sát công tác cán bộ, đặc biệt, trong thời gian tới đây khi chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp.