Kinh tế năm 2022: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh bình thường mới

Thuý Hằng (thực hiện) 03/01/2022 09:00

Trong cuộc trò chuyện muộn vào đêm cuối năm 2021 với Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế độc lập, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS Lê Đăng Doanh đã đưa ra những dự cảm đầy hi vọng của nền kinh tế năm 2022.

Tiềm năng

PV: Năm 2021 lùi lại, cũng là năm thứ 2 nền kinh tế Việt Nam phải “hứng chịu” sự tàn phá nặng nề của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 với diễn biến phức tạp đã gây tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và người dân. Ông đánh giá thế nào về tác động của đại dịch lên nền kinh tế?

TS Lê Đăng Doanh: Đợt dịch lần thứ tư bùng phát mạnh đã tác động toàn diện đến tất các lĩnh vực kinh tế-xã hội, đến từng gia đình, từng người dân, học sinh. Hàng triệu người đã mất việc làm, phải trở về quê để kiếm sống. Các chuỗi giá trị bị đứt gẫy, hàng trăm ngàn DN phải đóng cửa, không ít bị phá sản. Nhu cầu và thói quen tiêu dùng đã thay đổi và sẽ không quay về với lối sống trước đây như không đi du thuyền vài ngàn người mà chuyển sang mua du thuyền cỡ nhỏ, kinh tế số, thương mại điện tử, Chính phủ điện tử phát triển. Tất cả các nền kinh tế phải coi trọng đầu tư vào y tế, thuốc men, máy thở… ngay khi giá còn cao hơn nhập khẩu để bảo đảm khi cần phải có ngay.

Trong năm 2022 đặt ra chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...

Cùng với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, kinh tế Việt Nam đã phải trả giá đắt cho đại dịch, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ đạt khoảng 2,6-2,8%, cũng là mức tăng trưởng khá ở các nước Đông Nam Á. Xuất-nhập khẩu vẫn tăng mạnh, nhờ vào chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một nền kinh tế duy nhất nào đó. Nhưng với việc hàng ngàn xe tải hàng nông sản xuất khẩu tiểu ngạch bị ứ đọng tại biên giới phia Bắc là một bài học chua xót, cần sớm rút kinh nghiệm và điều chỉnh; các nước đã hỗ trợ Việt Nam một lượng lớn vaccine, việc tiêm chủng cần chú ý hơn đến đội ngũ người lao động để giúp đỡ các DN hoạt động bình thường.

Cả đất nước đã đoàn kết chống dịch. Tuy vậy, một số địa phương đã không hiểu đúng nội dung chỉ đạo chống dịch của Chính phủ, đã lập pháo đài, hàng rào dây thép gai, chướng ngại vật, hạn chế việc vận chuyển khiến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những mặt tích cực vụ kit test Việt Á bộc lộ những lỗ hổng trách nhiệm của các cơ quan nhà nước liên quan, cần được xét xử nghiêm minh. Quá trình chuyển đổi kinh tế số cần được đẩy mạnh hơn, hướng dẫn cả khu vực kinh tế hộ gia đình chuyển đổi. Có dự báo Việt Nam cần khoảng 2 năm để khắc phục các thiệt hại do đại dịch gây ra, song hy vọng Việt Nam có thể hồi phục nhanh hơn.

Điều quan trọng quyết định là vận dụng khoa học-công nghệ, bảo đảm năng suất lao động luôn tăng cao hơn và nhanh hơn chi phí tiền lương và hành chính, đấy là tiềm năng để chúng ta đẩy mạnh cải cách và vươn lên.

Dù khó khăn nhưng Việt Nam vẫn có điểm sáng xuất khẩu, con số tăng trưởng tuy rất tốt nhưng cơ cấu và cách thức vẫn dựa vào khối đầu tư nước ngoài, không có nhiều thay đổi. Thưa ông, nếu đánh giá mức độ phục hồi kinh tế do xuất khẩu đưa lại vẫn chưa được nhiều do giá trị gia tăng từ xuất khẩu của ta vẫn còn thấp?

- Xuất khẩu của Việt Nam do DN đầu tư nước ngoài đóng góp tới 70%, có năm giảm xuống nhưng vẫn chiếm khoảng 64%. Tỷ lệ giá trị gia tăng do DN trong nước đóng góp cho xuất khẩu của các DN đầu tư nước ngoài còn thấp, chưa kết nối được vào chuỗi giá trị của DN đầu tư nước ngoài. Các DN trong nước cần liên kết với nhau, đầu tư vào khoa học - công nghệ để vươn lên. DN đầu tư nước ngoài xuất khẩu dưới thương hiệu của họ, không phải nhãn hiệu của DN nước ta. Trong tương lai, không thể loại trừ khả năng một số DN đầu tư nước ngoài có thể chuyển sang nước khác có chi phí lao động thấp hơn nước ta và bộ máy hành chính hiệu quả hơn.

Nhiều nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn của thị trường Việt Nam.

Đầu tư có hiệu quả

Năm 2022, tình hình kinh tế thế giới khó đoán. Nhưng bước sang năm 2022, năm bản lề cho giai đoạn 5 năm 2021 – 2025, Chính phủ cần có những quyết sách nhanh và trúng để giúp nền kinh tế phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh bình thường mới. Từ đó, tạo hành lang quan trọng để DN lấy đà bứt phá mạnh mẽ? Thưa ông, cộng đồng DN cần hỗ trợ gì?

- Để phục hồi kinh tế nhanh điều kiện đầu tiên là kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế tối đa các biến thể lan rộng. Chính phủ đã rút kinh nghiệm không phong tỏa hay cách ly quá rộng (toàn thành phố) và quá lâu, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine, tăng cường đội ngũ y tế cơ sở. Tuy nhiên cũng cần đẩy mạnh cải cách thể chế, tăng cường công khai minh bạch, giảm hẳn chi phí “tham nhũng vặt”, áp dụng phổ biến Chính phủ điện tử ở cấp độ cao nhất có thể, như công khai ngay trên mạng đề nghị của DN A nhập hồ sơ ngày nào, do chuyên viên nào xử lý, dự kiến bao giờ trả lời… Cắt giảm mạnh chi phí về thời gian và tiền bạc cho các DN và người dân. Luật Đất đai và một số luật khác cần được bổ sung, sửa đổi, tránh lợi ích nhóm và tiêu cực. Mức chênh lệch giá đất của nhà nước và giá thị trường cũng cần được điều chỉnh phù hợp.

Giải pháp cho năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an sinh xã hội. Theo ông cần lưu ý gì khi thực hiện các gói chính sách hỗ trợ để có thể vẫn đạt tăng trưởng kinh tế 6,5%/năm mà không xảy ra các hệ luỵ về lạm phát, trục lợi chính sách?

- Vừa qua, Chính phủ đã có gói cứu trợ đầu tiên nhỏ, dưới 2% GDP, hiện nay nhiều chuyên gia đề nghị Chính phủ đề xuất để Quốc hội chuẩn y một gói cứu trơ lớn hơn, có thể khoảng 6-8% GDP. Tỷ lệ bội chi ngân sách của Việt Nam vẫn trong hạn mức an toàn, nếu được thực hiện giải ngân nhanh, gọn, đúng đối tượng, phát huy tác dụng thiết thực, nền kinh tế có thể phục hồi nhanh hơn, theo hình chữ V hay chữ U, không phải theo hình chữ W, xuống đáy, hồi phục rồi lại xuống trở lại. Theo tôi, cũng nên huy động sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế.

Các dự báo gần đây đều nhấn mạnh tới xu thế mới là phục hồi xanh, phục hồi số và chyển đổi số. Đây là hai điểm mấu chốt thực hiện phát triển bền vững, đòi hỏi Việt Nam có kế hoạch thực hiện các xu thế này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Phục hồi xanh đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm bớt khí thải, ô nhiễm, chuyển mạnh sang nền kinh tế tuần hoàn, biến rác thải trở thành tài nguyên, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Đầu tư có hiệu quả vào năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời và năng lượng gió, cân nhắc sử dụng năng lượng hạt nhân một cách an toàn sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng xanh, thực hiện cam kết cắt giảm khí thải. Chuyển đổi sang kinh tế số sẽ thúc đẩy mạnh quá trình này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): Triển vọng dài hạn

Đáng mừng là các nhà đầu tư nước ngoài mặc dù có những lo ngại nhưng vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn của thị trường nước ta và đặt niềm tin mạnh mẽ vào khả năng kiểm soát và làm chủ tình hình của chính phủ Việt Nam. Nhiều Hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã khẳng định sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam cùng vượt qua đại dịch. Đây có thể nói là sự động viên rất lớn và cho thấy được sự đoàn kết chặt chẽ của cộng đồng DN trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế năm 2022: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh bình thường mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO