Kinh tế

Kinh tế Việt Nam: Khơi thông và phát huy nội lực

HỒ HƯƠNG - TÂM NHƯ 09/02/2024 07:13

Trải qua 3 năm đại dịch Covid-19, vượt qua vô vàn khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng tích cực. Điều này được minh chứng qua các con số phản ánh thành tích tăng trưởng, xuất khẩu ổn định, thu hút đầu tư nước ngoài tăng.

anh-thay.jpg
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả 3 động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024.

Nhận diện khó khăn

Thế giới đã trải qua 3 năm thật dài từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát với diễn biến phức tạp, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Cú sốc mang tên Covid-19 đã gây dư chấn nghiêm trọng đến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới trong bối cảnh hệ thống sản xuất khu vực và thế giới ngày càng thể hiện khả năng chống chịu yếu, chuỗi cung ứng toàn cầu tuy dần được khôi phục nhưng còn tương đối lỏng lẻo.

Năm 2023 các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm; Ngày 2/4/2023, tại Tel Aviv, Việt Nam và Israel đã ra tuyên bố về việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa 2 nước; Việt Nam đang khởi động đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (CEPA); Ngày 27/5/2023, các Bộ trưởng thương mại của Việt Nam và 13 đối tác trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) đã công bố kết thúc đáng kể các cuộc đàm phán về Thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF quốc tế đầu tiên.
Đặc biệt, với việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện, đến nay Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước phát triển nhất thế giới (G20).

Ở trong nước, dưới tác động của tình hình thế giới và hậu quả nặng nề của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ..., kinh tế - xã hội cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhìn lại năm 2023 cho thấy đây là thời điểm có nhiều thách thức, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hơn 158,8 nghìn, tính ra bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo báo cáo từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hơn một nửa số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh, giải thể. Những doanh nghiệp này có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm). Cứ 2 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, thì 1 đơn vị thời gian hoạt động ngắn. Khốc liệt hơn, cứ 3 doanh nghiệp giải thể, thì có tới 2 đơn vị non trẻ.

Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp nào kém “sức đề kháng” đành phải rời bỏ thị trường. Mà điển hình là doanh nghiệp trong mảng bất động sản phải đóng cửa hàng loạt. Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam chia sẻ, chưa bao giờ doanh nghiệp bất động sản khó khăn như hiện nay.

Tương tự, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long đã nhận xét, các doanh nghiệp bất động sản thực sự vẫn phải đối diện với nhiều thách thức. Cụ thể còn khó khi tiếp cận vốn vay tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án. Mặt khác, họ tiếp tục gặp khó khăn cả về thanh khoản, dòng tiền, nhất là trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào những tháng cuối năm 2023, khiến nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu.

Ngoài ra, niềm tin của nhà đầu tư lung lay đã tác động đến tính thanh khoản thị trường, dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản càng thiếu vốn, thậm chí một số doanh nghiệp đang chịu áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản. Đặc biệt đối với vấn đề pháp lý, không ít dự án bất động sản đang gặp vướng mắc, như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất; quy hoạch sử dụng đất được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện...

Đưa ra cái nhìn vĩ mô GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, năm 2023 là một năm rất khó khăn trong điều hành và tăng trưởng kinh tế.

Còn ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn, bắt nguồn từ những bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu.

Vững vàng giữa “làn gió ngược”

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, dù tình hình kinh tế Việt Nam 3 năm sau Covid-19 gặp nhiều thách thức nhưng vẫn có những điểm sáng nổi bật, tiền đề cho sự hồi phục trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, những năm qua, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, vững chắc, trong đó nổi bật là việc đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 193/193 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 5 đối tác chiến lược toàn diện, 18 đối tác chiến lược, 12 đối tác toàn diện); có quan hệ thương mại với 224 thị trường, đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế; đàm phán, ký kết và thực thi 19 FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn trên thế giới, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam thuộc
nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc),
xếp vị trí 48/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) dù giảm 4
bậc so với năm 2021 và xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Chuyên gia kinh tế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu đánh giá, đặt trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới thì kinh tế nước ta những tháng cuối năm có nhiều điểm tích cực, tạo cơ hội cho tăng trưởng, ngoại giao kinh tế đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong đó phải kể đến những con số khả quan về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng đầu tư và giải ngân các dự án trong thời gian từ năm 2019 đến nay.

Thống kê sơ bộ 11 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý hơn vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2023 ước đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.

Các yếu tố quan trọng để vốn FDI tiếp tục khởi sắc trong năm 2023 đến từ việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập niềm tin với nhà đầu tư; khai thác có hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, thu hút FDI có nhiều bứt phá với nhiều dự án lớn vào lĩnh vực công nghệ cao. Nhiều tín hiệu cho thấy Việt Nam đang và sẽ có sự gia tăng mạnh mẽ và sâu hơn vào một số chuỗi cung ứng mới của thế giới trong nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ công nghệ cao.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới trong dòng vốn đầu tư dịch chuyển khu vực và quốc tế nhờ ưu thế ổn định chính trị, dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và lượng người tiêu dùng có thu nhập trung bình đang tăng nhanh, hạ tầng ngày càng phát triển đồng bộ và hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nước ta đã vươn lên từ nội lực, từ những ngành hàng truyền thống và từ những ngành hàng mà chúng ta làm chủ.

Một điểm rất đáng ghi nhận nữa là sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp. Giữa bộn bề thách thức doanh nghiệp buộc phải tự chuyển mình, tìm cách thích ứng.

Cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp cũng là những nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành, địa phương để cùng đóng góp vào các hoạt động tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt là Chính phủ đã rất quyết liệt triển khai nhiều giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cuối tháng 10 năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thành lập các tổ công tác để giám sát việc thực hiện nhiều chỉ đạo, tháo gỡ nhiều vướng mắc.

Nói như PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì những thành tích đó đều chứng tỏ khả năng đối mặt với các "cơn gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam.

Thích ứng và phát triển

Năm 2024 vẫn được đánh giá là một năm không mấy dễ dàng với kinh tế Việt Nam, bởi những khó khăn của năm 2023 vẫn ảnh hưởng. Trong khi đó, tình hình địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn được dự báo giảm nhẹ, cùng với đó, tăng trưởng kinh tế của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng được dự báo giảm. Trong khi lạm phát được dự báo vẫn ở mức cao, do đó việc điều hành kinh tế dự báo khó khăn.

Năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 6-6,5%.

Ở góc nhìn chuyên gia, để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”, hành chính; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường đầu vào, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh).

Ngoài ra, cần đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh.

Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh nền kinh tế phải chịu tác động nặng nề từ hậu quả của đại dịch Covid-19. Theo các chuyên gia kinh tế, những mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra phải mạnh mẽ, quyết liệt, phù hợp khả năng thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất.

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng nhận định, vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.

Từng bước vượt khó
Trao đổi về tình hình kinh tế đất nước, chuyên gia kinh tế, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu khẳng định nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp là rất mạnh mẽ.
PV:
Theo ông, những khó khăn cơ bản nhất của nền kinh tế hiện nay là gì?
Ông PHAN ĐỨC HIẾU:
Theo tôi, các cơ quan quản lý phải nhận diện được những vấn đề tác động tới chất lượng tăng trưởng, trong đó phải nhận diện được khó khăn của doanh nghiệp. Trước đây, doanh nghiệp gặp rào cản về sự phức tạp của thủ tục hành chính, nhưng hiện tại khó khăn còn là về thị trường, về sự cạnh tranh gay gắt trên “sân nhà” và thương trường quốc tế.
Vấn đề được đề cập nhiều thời gian qua là khai thông nguồn lực, theo ông cách nào để tháo gỡ các điểm nghẽn?

- Chính phủ và Quốc hội cần có những nghị quyết đặc thù để tháo gỡ kịp thời và dứt điểm. Thời gian qua chúng ta thấy cơ quan quản lý đã có những quyết sách rất mạnh mẽ. Chẳng hạn, Nghị quyết 33/2023/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là kịp thời, nhưng theo tôi, Nghị quyết này chưa giải quyết hết tất cả những vướng mắc hiện nay.
Một nguồn lực khác có thể khai thông ngay là từ khối doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn thì tại sao không nhanh chóng phát huy vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề này có hai việc quan trọng cần thực hiện và tập trung nhiều hơn đó là đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động. Bởi thực tế là nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thể phát huy hết hiệu quả do vướng mắc về chính sách. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh giải quyết những dự án mà doanh nghiệp nhà nước còn đang thực hiện dang dở, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước triển khai các dự án sản xuất kinh doanh mới.
Bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, các cơ quan quản lý nên thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát kinh doanh một cách phù hợp. Trong bối cảnh hiện tại, hoạt động này là cần thiết, nhưng để phát hiện sớm những sai sót và hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ cả cán bộ cơ quan nhà nước cần những giải pháp quyết liệt thì mới hiệu quả. Chẳng hạn với các dự án đang “đắp chiếu”, thì phải thanh kiểm tra để tìm ra nguyên nhân bị dừng lại, để đưa ra giải pháp phục hồi và phát huy.
Một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp cần thêm các trợ lực để phục hồi và vượt qua khó khăn. Nhận định của ông về vấn đề này thế nào?

- Theo tôi, vấn đề cần quan tâm là phải thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh; tìm giải pháp đảm bảo nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như điện, xăng dầu, lương thực… Đặc biệt, nguồn cung điện là rất cần thiết.
Trân trọng cảm ơn ông!

T.HẰNG (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế Việt Nam: Khơi thông và phát huy nội lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO