Mặt trận

Ký ức Điện Biên Phủ: Vang mãi thiên hùng ca bất khuất

NGUYỄN CHUNG 07/04/2024 08:07

70 năm đã trôi qua nhưng dư âm của Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” vẫn còn đậm nét trong ký ức của những người lính từng trực tiếp tham chiến tại chiến trường Điện Biên. Câu chuyện của họ như những thiên hùng ca bất khuất, còn mãi với hậu thế.

cu-binh-1.jpg
Cựu binh Nguyễn Văn Chư.

Có mặt tại buổi lễ gặp gỡ, ông Nguyễn Văn Chư, xã Đông Nam, huyện Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa), đã không giấu được những cảm xúc rưng rưng của mình khi gặp lại những đồng đội xưa.

Ông Nguyễn Văn Chư nguyên là Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo 105 ly, Đại đội 14, Tiểu đoàn 82, Đại đoàn 351- đơn vị trực tiếp mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại: Đơn vị của ông được giao nhiệm vụ hết sức quan trọng là tiến công tiêu diệt cứ điểm Him Lam, đơn vị đã chuẩn bị trước hơn một tháng. Nếu Điện Biên Phủ là một “pháo đài bất khả xâm phạm” thì Trung tâm đề kháng Him Lam là “cánh cửa thép” được Pháp xây dựng với hệ thống phòng ngự hết sức kiên cố và vững chắc.

Muốn tiếp cận Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì bắt buộc phải vượt qua được “cánh cửa thép” này. Đây là lần đầu tiên pháo binh của ta xuất trận nên công tác chuẩn bị pháo rất được coi trọng. Những khẩu pháo của ta đã bí mật chiếm lĩnh trận địa. Các đại đội pháo sẵn sàng trong những căn hầm rải rác trên các cao điểm chạy từ Đông sang Tây. Pháo được bố trí nằm trên các sườn đồi, được ngụy trang kín đáo.

Để tạo thế bất ngờ, quân ta được lệnh ngày đêm đào đường hầm ngầm vào gần đồi Him Lam. Khi đường hầm hoàn thành cũng là lúc Khẩu đội pháo 105 ly nhận được mệnh lệnh chiến đấu vào ngày 13/3/1954. Lệnh cấp trên yêu cầu phải tấn công thật bất ngờ nhằm vô hiệu hóa kẻ địch, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam. Với quyết tâm đánh trận đầu chỉ được thắng, không thể thua, cả khẩu đội đã sẵn sàng chờ giờ nổ súng, mở màn chiến dịch.

“Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954, lệnh nổ súng bắt đầu, cùng với các đơn vị khác, Khẩu đội pháo 105 ly đã bắn 22 loạt đại bác tấn công cứ điểm Him Lam, dội bão lửa xuống đầu giặc. Bị tấn công bất ngờ nên Pháp hoang mang và hoảng sợ. Lợi dụng lúc địch đang choáng váng, chưa kịp phản ứng, các đơn vị bộ binh của ta tiếp tục tấn công. Chỉ sau hơn 5 giờ chiến đấu, quân ta đã hoàn toàn làm chủ Trung tâm đề kháng Him Lam, tạo thời cơ thuận lợi để bộ đội ta tiến công tiêu diệt các cứ điểm còn lại, kết thúc đợt tấn công thứ nhất” - ông Chư nhớ lại.

cuu-binh-2.jpg
Cựu binh Đặng Mai Thanh.

Trong khi đó, cựu chiến binh Đặng Mai Thanh (xã An Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) kể: Những đau thương mất mát như một khúc tráng ca ngày khải hoàn mới vang lên đâu đó ngày hôm qua.

Ông bồi hồi nhớ lại, bản thân đã xung phong nhập ngũ năm 1952 khi vừa tròn 20 tuổi, với mong muốn được đánh giặc, bảo vệ quê hương. Đơn vị của ông đóng tại tỉnh Điện Biên ngày nay, thực hiện huấn luyện và chuẩn bị kế hoạch đánh Pháp ở khu vực Tây Bắc. Khi lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ chuẩn bị xây dựng tập đoàn cứ điểm, chúng tôi là những người lính đầu tiên chiến đấu tại chiến trường này.

“Sau đó, vì giặc quá mạnh, chênh lệch lực lượng quá xa, đơn vị chúng tôi được rút ra ngoài, rồi hành quân sang đánh Pháp trên chiến trường nước bạn Lào. Khi đó, Bác Hồ và Bộ Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị được lệnh đánh giặc ở các chiến trường lân cận, ngăn chi viện từ bên ngoài vào tập đoàn cứ điểm. Chúng tôi đã hăng hái chiến đấu và mong muốn được lập công”- ông Thanh nhớ lại.

Cựu binh Đặng Mai Thanh chia sẻ thêm: Dù trong chiến đấu, mỗi trận đánh đều có giá trị riêng, nhưng nghe tin trận chiến ở Điện Biên Phủ diễn ra ác liệt, đơn vị ông đã nhiều lần xin cấp trên vào chi viện. Nhưng chỉ huy nói, đơn vị có nhiệm vụ quan trọng không kém. Quân ta đã vây chặt quân Pháp ở Điện Biên Phủ, nếu bỏ vị trí, giặc được tiếp viện, đồng đội sẽ càng khó khăn hơn.

Từ đó, đơn vị ông đã bám trận địa chiến đấu, không để lọt một viên đạn, bát gạo của Pháp từ Lào chi viện cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

“Dù tham gia chiến đấu ở chiến trường nào, đối với tôi, Điện Biên Phủ mãi mãi là ký ức không thể nào quên. Điện Biên Phủ như một phần máu thịt của tôi. Được về dự buổi gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, tôi thêm một lần được vinh dự, tự hào và nhớ về những đồng đội xưa”- ông Thanh xúc động nói.

cuu-binh-3.jpg
Cựu binh Trần Huy Mai.

Ở tuổi 89, cựu chiến binh Trần Huy Mai cho biết, sinh ra, lớn lên tại xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Ông kể: Năm tròn 18 tuổi - khi đang làm giáo viên dạy tiểu học tại quê nhà, nhưng trước lời kêu gọi “Lấy Tổ quốc làm trọng, thân mình không đáng kể, trong lúc quốc gia hữu sự có chiến tranh, thanh niên nên ra tiền tuyến”, ông đã xung phong lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Mai được biên chế vào quân số của Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 - đơn vị đánh trận mở màn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam; tiếp đó phối hợp với Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 đánh chiếm đồi Độc Lập và Bản Kéo.

Mỗi khi nhắc về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông như được sống lại một thời oanh liệt, hào hùng. Hôm nay được về tham dự Chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cũng như các đồng đội rất vinh dự và tự hào.

“Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng chúng tôi vẫn rất hào hứng, khí thế khi được tham dự chương trình. Đây là dịp để tôi cùng đồng đội ôn lại những hồi ức của một thời “mưa bom, bão đạn” đã không tiếc máu xương, hiến trọn tuổi xuân cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, chăm lo cho những người có công với cách mạng; cảm ơn UBTƯ MTTQ Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức chương trình đầy ý nghĩa này”- ông Mai tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức Điện Biên Phủ: Vang mãi thiên hùng ca bất khuất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO