Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, năm 2024 thương mại điện tử đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 18 - 20%, vượt mốc 25 tỷ USD; cùng với những động lực tăng trưởng mới, dự báo thị trường này sẽ cán mốc hơn 31 tỷ USD trong năm 2025. Để hiện thực hóa điều này, ngay từ đầu năm cần có những giải pháp gì, tháo gỡ khó khăn ra sao?
Số liệu thống kê từ Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, TMĐT Việt Nam đã tăng trưởng liên tục với tốc độ tăng trưởng trung bình 16 - 30% mỗi năm, tốc độ tăng trưởng được đánh giá cao hàng đầu thế giới. Và năm 2024 TMĐT đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 18 - 20%, vượt mốc 25 tỉ USD.
Nộp thuế thương mại điện tử gia tăng
Theo số liệu của Bộ Công thương, tới tháng 12/2024, đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử, với tổng thu ngân sách đạt 19.774 tỉ đồng. Trong đó, số thu khai trực tiếp đạt 8.687 tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Các nền tảng lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix và Apple tiếp tục đóng góp một phần lớn vào nguồn thu này. Cùng với sự gia nhập của các sàn TMĐT quốc tế như Temu, Shein, thị trường TMĐT Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về thuế từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Tổng số thuế từ các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT trong 11 tháng đầu năm 2024 đã đạt khoảng 108.000 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng này không chỉ thể hiện sự phát triển của ngành TMĐT mà còn chứng minh rằng Việt Nam đang trở thành một thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp nước ngoài. Bên cạnh đó, thị trường TMĐT trong nước cũng chứng kiến sự lớn mạnh của các sàn như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo. Với sự gia tăng mạnh mẽ từ các nền tảng này, dự báo thị trường TMĐT Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2025.
Nhận định về thị trường TMĐT trong suốt thời gian qua, thạc sĩ Nguyễn Bình Minh - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội TMĐT (VECOM) cho biết: năm 2024, quy mô thị trường TMĐT sớm vượt mốc 25 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% trong tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ trọng của TMĐT chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số nước ta. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) cũng tham gia hoạt động TMĐT; đặc biệt hình thức livestream vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Có thể nói, 2024 vẫn là năm thành công của TMĐT, người dùng quen với nền tảng số phổ biến tại Việt Nam và nhiều nền tảng số trên thế giới cũng tham vọng tham gia vào thị trường nước ta cho thấy tiềm năng phát triển của TMĐT rất lớn.
Theo số liệu báo cáo của Công ty Đo lường toàn cầu - Nielsen, áp lực kinh tế như lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao đã khiến 50% người tiêu dùng Việt Nam hiện chú trọng chi tiêu cho thực phẩm cùng các nhu yếu phẩm cơ bản, trong khi những khoản chi tiêu xa xỉ bị cắt giảm đáng kể. Tỷ lệ chi tiêu cho thực phẩm trong tổng thu nhập đã tăng từ 50% lên 54% trong quý III/2024. Điều này phản ánh xu hướng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, tạp hóa sang các mô hình hiện đại hơn như siêu thị mini và TMĐT Nơi mà người mua có thể tận dụng các ưu đãi, giảm giá và sự tiện lợi trong thanh toán.
Sau đại dịch Covid-19, hành vi tiêu dùng của người dân có nhiều thay đổi trong đó mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen của nhiều người. Sự phát triển của Internet và phổ biến của điện thoại thông minh cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc giúp nhiều người tham gia vào “chợ số”. Thêm vào đó, sự phát triển của hạ tầng số và sự xuất hiện của những công nghệ mới cũng đang góp phần hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn đồng thời thúc đẩy ngành tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, những chính sách khuyến khích phát triển và hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện của Chính phủ cũng đang tạo ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp trong ngành phát triển ổn định và bền vững.
Mặc dù Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường TMĐT có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới, đồng thời giữ vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng giá trị bán lẻ trực tuyến tại khu vực ASEAN, song theo TS. Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) thì thị trường Việt hiện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu sự đồng bộ trong quá trình triển khai các chính sách, vấn đề niềm tin của người tiêu dùng vào bảo mật thông tin, hạ tầng công nghệ chưa đồng đều, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nâng cao giá trị gia tăng thay vì chạy đua về giá
Dự đoán về xu hướng thị trường TMĐT năm 2025, báo cáo của AppotaPay chỉ rõ, mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam hiện nay có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng của TMĐT từ 35-45% mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng. Đặc biệt, các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop, với TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng 15% thị phần TMĐT trong năm 2024. Khả năng cá nhân hóa trải nghiệm và kết hợp mua sắm với giải trí khiến các nền tảng mua sắm trực tuyến này đang nhanh chóng thu hút đông đảo giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z.
Trong đó, 25% người tiêu dùng mua sắm online để dự trữ hàng hóa và 21% mua ngay lập tức. Điều này minh chứng TMĐT đang dần thúc đẩy sự phát triển của mô hình mua sắm đa kênh. Báo cáo từ AppotaPay cũng nhấn mạnh rằng, tiêu dùng bền vững không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố bắt buộc để hàng hóa Việt Nam có thể vươn xa trên thị trường quốc tế. Dự báo trong năm 2025, TMĐT sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ và đóng góp vào mục tiêu 20% GDP của kinh tế số.
Thạc sĩ Nguyễn Bình Minh (VECOM) chia sẻ, tăng trưởng kinh tế năm nay dự báo đạt 8%. Điều này cho thấy điều kiện phát triển kinh tế tương đối tốt. Nhờ đó TMĐT cũng sẽ có động lực phát triển mới như sức mua người tiêu dùng tốt; ngành công nghiệp mới trong TMĐT như livestream sẽ tạo nhiều bước phát triển mới trong năm 2025.
Ngoài ra, TMĐT xuyên biên giới, ứng dụng công nghệ AI sẽ có những bước đột phá mới. Bên cạnh đó, các quy định về định danh hay các hệ thống liên quan đến truy xuất nguồn gốc sẽ ngày càng tạo ra hiệu quả tốt hơn; giúp thương hiệu sản phẩm của Việt Nam ngày càng đi vào thị trường thế giới. Với những động lực trên, nếu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 20 - 25%/năm thì chắc chắn TMĐT năm 2025 có thể cán mốc hơn 30 tỉ USD.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Nguyễn Bình Minh, hiện nay, các khu vực, quốc gia trên thế giới đang dư thừa về sản xuất, dẫn đến tình trạng hàng ngoại với chất lượng kém, giá rẻ có thể tràn vào Việt Nam. Nếu chúng ta không có chính sách thuế tốt thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất trong nước; kéo theo TMĐT cũng sẽ gặp một số trở ngại. Ngoài ra, các quy định mới về thuế có thể làm cho một số doanh nghiệp lúng túng trong việc triển khai. Các công nghệ mới, các vi phạm liên quan đến lừa đảo trong TMĐT cũng đang là rào cản lớn làm cho nhiều người vẫn còn e dè về lĩnh vực này. Thêm nữa là những hạn chế về hạ tầng, vận chuyển logistics, chi phí...
Vẫn theo thạc sĩ Nguyễn Bình Minh, định hướng chiến lược trong phát triển TMĐT rõ ràng là cần tập trung sản phẩm chất lượng, có uy tín. Doanh nghiệp cần xác định thay vì chạy đua về giá thì cần có chiến lược phát triển lâu dài, tránh tình trạng để dư thừa quá nhiều, giá trị quá thấp. Cần nâng cao chất lượng dịch vụ, giá trị sản phẩm, trải nghiệm khách hàng; xây dựng mối quan hệ gắn kết với khách hàng. Việc tạo ra các giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh bền vững hơn trong dài hạn.
TS Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế, Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế và tài chính, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại số, thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới, tăng cường nghiên cứu, cũng như phát triển công nghệ… Bên cạnh đó, để nhằm thúc đẩy tăng cường giám sát thực thi pháp luật của các doanh nghiệp đồng thời thúc đẩy phát triển TMĐT và kinh tế số tại Việt Nam, Nhà nước đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản, chính sách về TMĐT nhằm tạo ra khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực này. Thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh trực tuyến, xử lý các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả của thị trường TMĐT.
PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, TMĐT đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số. Mục tiêu doanh thu TMĐT chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 hoàn toàn khả thi, nhất là khi tốc độ tăng trưởng hiện nay đang rất tích cực.