Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một đứa bé được cho là “bị bạo hành dã man” tại lớp mẫu giáo Ánh Sao Vàng, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM. Chân tay, mặt mũi bé bị bầm tím, bé bị hoảng loạn. Được biết, bé gái bị bạo hành có tên là PTND, 5 tuổi. Mẹ mất sớm, hiện bé đang sống với cha và bà nội. Nhà bé đối diện với cơ sở Ánh Sao Vàng.
Theo ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phước, Bình Chánh, lớp mẫu giáo này đã được cấp phép. Hiện tại, cơ sở này đã bị tạm đình chỉ hoạt động, chờ điều tra làm rõ.
Còn bà Huỳnh Thị Phượng, cô ruột của bé D, cho biết gia đình gửi bé tại lớp mẫu giáo Ánh Sao Vàng được ba năm nay. Về hỏi chuyện thì tôi nghe cháu nói lúc ăn trưa cháu bị nôn ra hết người. Cô đã đánh cháu liên tiếp vào mặt. Sau đó, cô còn lấy dép đánh từ trên lưng xuống dưới chân cháu.
Chủ nhóm mầm non Ánh Sao Vàng, ông Lý Quốc Huy cho biết sự việc diễn ra vào trưa 25/7, cô bảo mẫu Trần Thị Hồng P. đã dùng tay tát vào mặt bé. Đến chiều cùng ngày, thấy mặt cháu bé sưng, cô P. mới báo chủ trường.
Sự việc đau lòng này khiến người ta hình dung tới hình ảnh những cô giáo mầm non bịt mũi, bóp má ép học sinh ăn, dùng dép vả vào mặt, dùng đầu gối thúc vào bụng các cháu nhỏ ở một số cơ sở mầm non mà báo chí phản ánh thời gian qua.
Đã có rất nhiều lý do được đưa ra để biện minh cho hành động bạo hành học sinh. Nhiều người chứng kiến những gương mặt nhợt nhạt, đầm đìa những giọt nước mắt hối hận của các cô giáo khi đến tận nhà học sinh xin lỗi gia đình mà thương cảm, sẵn sàng tha thứ. Nhưng cứ hình dung ra sự hoảng sợ khóc đến khản cổ, thậm chí hoảng loạn của trẻ nhỏ khi bị giáo viên bạo hành thì sự ân hận kia thật không đủ.
Vẫn biết áp lực công việc giữ trẻ, chăm trẻ, dạy trẻ hàng ngày của giáo viên là gánh nặng lớn, nhiều áp lực. Và như lý giải của ông Lý Quốc Huy – chủ cơ sở giữ trẻ thì cô P., bản thân cô có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt, thời điểm này cô đang có việc riêng với khá nhiều áp lực … thì cũng không thể lý giải và thông cảm được hành động đánh trẻ dã man đến vậy.
Theo các chuyên gia giáo dục, liên tục những hành vi bạo hành trẻ em như vậy cho thấy lỗ hổng lớn trong cách quản lý của những người có trách nhiệm, đội ngũ những người mang sứ mệnh giáo dục cao cả ấy cần phải được sàng lọc lại. Áp lực căng thẳng, thiếu kinh nghiệm không thể là “bài ca” mà hết lần này đến lần khác các cô mang ra để biện hộ cho thái độ vô trách nhiệm và sự tàn ác vốn không thể có ở những người làm công việc nuôi dạy trẻ.
Một vài vụ việc nghiêm trọng được phanh phui có lẽ chỉ là bề nổi của thực trạng bạo hành trẻ. Thiết nghĩ, ngành giáo dục không thể để chậm hơn nữa việc quyết liệt chấn chỉnh tình trạng giáo viên hành xử thiếu chuẩn mực với trẻ, tăng cường quản lý, giám sát các cơ sở mầm non công lập cũng như tư thục và có giải pháp hữu hiệu nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên mầm non.